Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị, hàng điện tử và hàng công nghiệp, trong đó có 9 nhóm hàng đạt kim ngạch cao trên 1 tỷ USD. |
Theo tính toán từ số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc trong 11 tháng 2018 đạt 60,33 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Việt Nam nhập khẩu 43,6 tỷ USD hàng hóa từ thị trường này, xuất khẩu đạt 16,8 tỷ USD.
Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc 26,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với 11 tháng đầu năm 2017.
Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị, hàng điện tử và hàng công nghiệp, trong đó có 9 nhóm hàng đạt kim ngạch cao trên 1 tỷ USD.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu, với 15,91 tỷ USD, chiếm 36,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại từ thị trường này, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng vị trí thứ 2 về kim ngạch, với 5,62 tỷ USD, chiếm 12,9%, giảm mạnh trên 30% so với cùng kỳ.
Điện thoại các loại và linh kiện đứng thứ 3 với 5,61 tỷ USD, chiếm 12,9%, tăng nhẹ 0,1%. Mặt hàng nhập khẩu tỷ USD khác là vải, với 1,97 tỷ USD, dự kiến cả năm có thể lên tới 2,2 tỷ USD.
Sản phẩm từ chất dẻo đạt 1,645 tỷ USD, dự kiến cả năm 1,9 tỷ USD, trong khi sắt thép các loại đạt 1,3 tỷ USD, dự kiến cả năm trên 1,4 tỷ USD. Xăng dầu 1,756 tỷ USD, dự kiến cả năm trên 1,8 tỷ USD.
Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu 1,536 tỷ USD; kim loại thường khác 1,39 tỷ USD.
Như vậy, tổng mức chi nhập khẩu của 9 nhóm hàng kể trên đã vượt 36 tỷ USD trong 11 tháng.
Ngoài ra, còn một số nhóm hàng nhập khẩu khác cũng tăng tương đối mạnh trên 50% gồm có: rau quả tăng 68,8%, đạt 22,36 triệu USD; nguyên phụ liệu dược phẩm tăng 57,2%, đạt 4,75 triệu USD; bông tăng 56,4%, đạt 5,21 triệu USD; quặng và khoáng sản tăng 50,9%, đạt 14,28 triệu USD.
Mặc dù, có rất nhiều nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh, nhưng vẫn có một số sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình như nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường này giảm tới 94,3% về số lượng và giảm 81,5% về kim ngạch so với cùng kỳ, chỉ đạt 431 chiếc, tương đương 31,17 triệu USD.
Dầu mỡ động, thực vật cũng nằm trong nhóm giảm nhập khẩu, với mức giảm 24,5%, đạt 4,15 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 23%, đạt 7,08 triệu USD; phân bón giảm 20,4%, đạt 46 triệu USD.