Thời sự
Trung Quốc - Hàn Quốc “đồng hạng” là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam
Hà Nguyễn - 29/07/2018 21:14
Với mức xuất siêu cùng là 16,3 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc và Hàn Quốc đã lần đầu tiên “đồng hạng” là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Trung - Hàn đồng hạng thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc 35,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017, đồng thời xuất khẩu 19,5 tỷ USD, tăng 24,7%. Với kết quả này, 7 tháng qua, Việt Nam đã nhập siêu từ thị trường này 16,3 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

.

Trong khi đó, 7 tháng, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc 26,5 tỷ USD, tăng 0,2%; xuất khẩu 10,2 tỷ USD, đưa cán cân thương mại Việt Nam - Hàn Quốc thâm hụt 16,3 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ.

Như vậy, sau một thời gian bị Hàn Quốc “soán ngôi”, Trung Quốc đã trở lại ngôi đầu là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Thực tế, ngôi đầu này đã được Trung Quốc giành lại từ tháng trước. 6 tháng, Việt Nam nhập siêu 13,9 tỷ USD từ Hàn Quốc, giảm 14,1% so với cùng kỳ; trong khi nhập siêu từ Trung Quốc 14,5 tỷ USD, tăng 4%.

Lần đầu tiên, Trung Quốc và Hàn Quốc cùng “dắt tay nhau” đồng hạng là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, theo dự báo, mức cân bằng này sẽ sớm bị phá vỡ.

Các số liệu thống kê cụ thể từ hai thị trường này, 7 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 19,5 tỷ USD, tăng 24,7%, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 193,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 26,7%; rau quả tăng 10,8%.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 35,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn tăng, như xăng dầu tăng 101,4%; vải tăng 18,8%; điện thoại và linh kiện tăng 6,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 5,1%; sắt thép tăng 11,8% (lượng giảm 12,4%).

Với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam xuất khẩu 10,2 tỷ USD, tăng 31,9%. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 59,2%; điện thoại và linh kiện tăng 28%; hàng dệt may tăng 21,8%.

Ngược lại, nhập khẩu 26,5 tỷ USD, tăng 0,2%. Trong đó, sắt thép tăng 24,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 17,9%; điện thoại và linh kiện giảm 15,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 37%. ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tăng 13,5%, trong đó xăng dầu tăng 23,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 17,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 14,4%.

7 tháng, cả nước xuất siêu 3,1 tỷ USD

Tuy nhập siêu lớn từ Hàn Quốc, Trung Quốc, song do xuất siêu lớn sang các thị trường Mỹ, EU…, nên tính chung, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện vẫn có thặng dư thương mại. Con số của 7 tháng đầu năm là 3,1 tỷ USD.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,2 tỷ USD. Theo Tổng cục Thống kê, điều đáng chú ý hiện nay là, tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng và do đó, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới. Bởi vậy, Việt Nam cần theo dõi sát tình hình và chủ động có giải pháp ứng phó để hạn chế tác động bất lợi.

Các số liệu thống kê cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm, cả nước ước đạt kim ngạch xuất khẩu 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 39,03 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 94,66 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14%.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Chẳng hạn, điện thoại và linh kiện - đạt 26,1 tỷ USD, tăng 15,8%; hàng dệt may - đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,2%; điện tử, máy tính và linh kiện - đạt 15,7 tỷ USD, tăng 14,8%; giày dép - đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng - đạt 9 tỷ USD, tăng 27,1%; gỗ và sản phẩm gỗ - đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng - đạt 4,6 tỷ USD, tăng 15,2%.

Trong khi đó, 7 tháng, cả nước ước nhập khẩu 130,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 54,16 tỷ USD, tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 76,47 tỷ USD, tăng 8,5%.

Nhiều mặt hàng nhập khẩu chủ lực tiếp tục có mức tăng cao so với cùng kỳ, như điện tử, máy tính và linh kiện - đạt 23,1 tỷ USD, tăng 13,5%; vải - đạt 7,4 tỷ USD, tăng 14,9%; sắt thép - đạt 5,9 tỷ USD, tăng 11,6%; xăng dầu - đạt 5,4 tỷ USD, tăng 36,4%; chất dẻo - đạt 5,1 tỷ USD, tăng 18,8%; kim loại thường - đạt 4,3 tỷ USD, tăng 26,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép - đạt 3,3 tỷ USD, tăng 3,7%; hóa chất - đạt 2,9 tỷ USD, tăng 27,1%.

Tin liên quan
Tin khác