Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với tình hình sản xuất và xuất khẩu như hiện tại, trong năm 2018, tất cả các chỉ tiêu được giao sẽ đạt và vượt so với mục tiêu mà Chính phủ giao. |
Chiều 17/10, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm 2018..
Báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 51,08 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 127,84 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng xuất khẩu là 3 nhóm hàng điện thoại các loại; máy tính và linh kiện và nhóm các sản phẩm dệt may. Tính chung cả ba nhóm hàng này đã tăng khoảng 11,54 tỷ USD so với cùng kỳ, đóng góp gần 50% vào tổng mức tăng 23,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu của khối FDI chiếm tỷ trọng khoảng 71% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu loại trừ hai mặt hàng dầu thô và điện thoại di động thì tỷ trọng này còn khoảng 63,8%
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải cho biết, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều tăng trưởng cao. Đáng lưu ý là xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA có mức tăng trưởng kim ngạch cao như ASEAN tăng 16%; Trung Quốc tăng 26,6%; Nhật Bản tăng 12,2%; Hàn Quốc tăng 26,5%; Áo tăng trên 25%, Australia ước tăng 25,5%, đạt 3 tỷ USD....
Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước.
9 tháng qua, Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại cao, với kim ngạch xuất siêu lên tới 5,39 tỷ USD. Trong đó, khối các doanh nghiệp FDI xuất siêu 23,65 tỷ USD, các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD.
Việt Nam vẫn tiếp tục xuất siêu vào thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ (25,13 tỷ USD); châu Âu (20,9 tỷ USD); Nhật Bản (141 triệu USD).
Nói thêm về thặng dư thương mại, ông Hải cho biết, cán cân thương mại từ năm 2016 đến nay luôn duy trì thặng dư. Mức thặng dư thương mại trong năm 2016, 2017 lần lượt là 1,78 tỷ USD và 2,11 tỷ USD. Riêng 9 tháng năm 2018, cán cân thương mại thặng dư với mức xuất siêu ước khoảng 5,39 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay.
Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, khối doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 51,08 tỷ USD, tăng 17,5%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Số liệu xuất khẩu những năm gần đây cho thấy những kết quả tích cực trong mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp này: năm 2015 xuất khẩu giảm 2,6%; năm 2016 xuất khẩu chỉ tăng 5,5%, năm 2017 xuất khẩu tăng 17,7%.
“Với tình hình xuất khẩu như hiện tại, trong năm 2018, tất cả các chỉ tiêu được giao sẽ đạt và vượt so với mục tiêu mà Chính phủ giao, trong đó, xuất khẩu không những hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao là tăng trưởng 10%, mà khả năng sẽ đạt 11,2%”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.