Chỉ 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến đến ngày 30/9/2021 ước giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt trên 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2020 (56,33%).
Trong đó, vốn trong nước đạt 51,71% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,65%).
Tỷ lệ giải ngân này là khá chậm. Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, không thuộc trường hợp điều chỉnh theo quy định trên.
Trong khi đó, có tới 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương đến hết tháng 9/2021 giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021.
Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Chính phủ yêu cầu cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021 để điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021. Công việc này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện.
Tính đến ngày 27/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất của 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 với tổng số vốn là 21.771,492 tỷ đồng.
Trong đó, vốn trong nước là 3.917,057 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 17.854,435 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 6 địa phương có văn bản đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương với tổng số vốn là 1.643,888 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương trong nước là 1.595 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 48,888 tỷ đồng.
11 nguyên nhân khiến giải ngân chậm
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu.
Chẳng hạn, công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn,…
“Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu nêu trên, trong những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Đó là năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.
Trong khi đó, đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025, tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
“Năm 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay”.
Phân tích cụ thể, có 8 nguyên nhân khách quan và 3 nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Về khách quan, là một số vướng mắc liên quan đến các quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019; các nghị định hướng dẫn về thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng; thẩm quyền phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch; thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia dự án ODA, thủ tục về điều chỉnh dự án, quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ODA… cũng ảnh hưởng đến việc giải ngân các dự án ODA.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khách quan khác, đó là dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn, nên tác động đến cả các hoạt động tư vấn như khảo sát, thiết kế và cả thi công công trình.
Việc giá nguyên liệu đầu vào gia tăng cùng thiếu hụt nguyên liệu như đất đai cũng đã ảnh hưởng đến phương án tài chính và tìm kiếm nguồn cung, nguyên liệu thay thế khi triển khai dự án theo hợp đồng đã ký, qua đó ảnh hưởng tỷ lệ giải ngân.
Trong khi đó, 3 nguyên nhân chủ quan là do công tác chuẩn bị dự án, giao kế hoạch ở một số địa phương còn thiếu chủ động; công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét…
Trong khi đó, nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động…
Nguyên nhân chậm giải ngân thì rất đa dạng. Nếu mỗi một bộ, cơ quan trung ương, địa phương, dự án giải ngân chậm thì đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
“Bài học rút ra là các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Mỗi bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ là người trực tiếp đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất đối với từng dự án do bộ, địa phương thực hiện”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công có tác động lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.