Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
“Trách nhiệm với quê hương, đất nước, với nhân dân được thể hiện qua những việc làm cụ thể. Không để có tiền mà không tiêu được, nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu như vậy như khai mạc Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết nghị (trên 526.105 tỷ đồng), tính đến ngày 23/9, đã có 508.362 tỷ đồng được phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công |
Như vậy, là còn trên 33.051 tỷ đồng chưa được phân bổ, bằng 6,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương, với 8/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch.
Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là trên 253.148 tỷ đồng, đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%).
Con số này, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, là “chưa có nhiều chuyển biến tích cực”.
Tuy nhiên, nếu xét về số tuyệt đối, giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2021.
Trong đó, vốn trong nước là 246.525 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 51,74%); vốn nước ngoài là trên 6.622 tỷ đồng, đạt 19,03% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 12,69%).
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 9 tháng đầu năm, có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%).
Trong đó, có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
“Đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thẳng thắn.
Ở một góc độ khác, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã “phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư”. Đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.
“Minh chứng rõ ràng là kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân đã có sự thay đổi tích cực khi đạt tỷ lệ 46,7%”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 cao hơn khoảng 80.000 tỷ đồng so với năm 2021 (chưa tính số vốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 khoảng 38.000 tỷ đồng từ nguồn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội), cùng với khó khăn đặc thù do năm 2022 là năm thứ hai của Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch (do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiến độ giải ngân đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong đó, số tuyệt đối giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021.
Riêng vốn ngân sách trung ương giải ngân 89,911 tỷ đồng, đạt 37,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 cả về số tuyệt đối 13,664 tỷ đồng và về tỷ lệ giải ngân (cùng kỳ năm 2021 đạt 37,01%).