Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lượng hàng hoá có tổng giá trị 31,1 tỷ USD, nhập siêu 20 tỷ USD, tăng 15% (tương đương 2,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng khá cao, nhất là trong bối cảnh gần đây, liên tiếp có đề xuất về việc Việt Nam phải làm sao giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng cao trong 9 tháng đầu năm nay |
Cần phải nhắc lại rằng, sau sự kiện Biển Đông, rất nhiều ý kiến cho rằng, trong thách thức vẫn có cơ hội và hiện là cơ hội để Việt Nam thực hiện các giải pháp hạn chế nhập siêu, đồng thời xây dựng một nền kinh tế tự chủ. Nhưng thực tế chưa như kỳ vọng bởi từ mức nhập siêu khoảng 13,1 tỷ USD 6 tháng đầu năm, chỉ trong 3 tháng qua, Việt Nam tiếp tục nhập siêu thêm 7 tỷ USD từ Trung Quốc, nâng tổng mức nhập siêu từ thị trường này trong 9 tháng lên 20 tỷ USD.
Điều này có nghĩa, bất chấp những nỗ lực thực hiện, hoặc ít nhất là hô hào quyết tâm giảm nhập siêu, giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, thì nhập siêu từ thị trường này vẫn tăng.
Không thể phủ nhận rằng, không dễ giảm nhập siêu từ Trung Quốc bởi quyết tâm giảm nhập siêu từ thị trường này đã được đặt ra từ nhiều năm qua. Song trên thực tế, từ mức 210 triệu USD (năm 2001), nhập siêu từ thị trường này tăng lên 9,1 tỷ USD (năm 2007), 11,532 tỷ USD (năm 2009), 13,4 tỷ USD (năm 2011), trên 23 tỷ USD (năm 2013) và nay, sau 9 tháng đã lên tới 20 tỷ USD. Đây là mức tăng chóng mặt, đi ngược hoàn toàn nỗ lực của Việt Nam.
Có lẽ nỗ lực giảm nhập siêu với Trung Quốc khó thực hiện là do cơ cấu kinh tế Việt Nam còn chưa hợp lý, do chúng ta còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị từ Trung Quốc. Việc Việt Nam có 14 năm thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng cuối cùng, vẫn ở vạch xuất phát cũng là điểm yếu lớn. Do vậy, nhập khẩu là lẽ đương nhiên.
Đã là vấn đề cơ cấu kinh tế, thì không thể một sớm một chiều có thể chuyển dịch theo mong đợi. Và trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau là lẽ đương nhiên, song rõ ràng, đã đến lúc càng phải quan tâm, quyết liệt hơn nữa với chuyện giảm nhập siêu từ Trung Quốc. Đã đến lúc không chỉ là hô hào chung chung, mà phải bắt tay thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ để xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tránh phụ thuộc quá lớn vào một đối tác nào đó, bởi rủi ro là khôn lường.
Một nghị định mới về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đang được xây dựng. Một kế hoạch thí điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ cho Samsung bắt đầu được khởi thảo. Công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế cũng đang được thúc đẩy… Tất cả những công việc này cần được đẩy nhanh hơn, bởi nếu không, tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc sẽ lặp lại, kéo dài nhiều năm và khó có thể chấm dứt trong một sớm một chiều.
Hà Nguyễn