9 tháng Thực phẩm Sao Ta lãi ròng hơn 168 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018 |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 mà Thực phẩm Sao Ta mới công bố, ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.120 tỷ đồng, tăng gần 4% so cùng kỳ. Với giá vốn tăng 4%, Công ty thu được hơn 120 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng nhẹ 2%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm hơn 24% so cùng kỳ còn 6,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính ghi nhận giảm hơn 69% về mức hơn 5,9 tỷ đồng. Trong đó chi phí lãi vay chỉ 3,7 tỷ đồng.
Theo đó, kết thúc quý III2019, công ty ghi nhận kết quả lãi ròng đạt hơn 76 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2018.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, FMC có tổng doanh thu hơn gần 2.764 tỷ đồng, giảm gần 3% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán hàng thủy sản chiếm hơn 2.646 tỷ đồng, doanh thu bán hàng nông sản chiếm hơn 117 triệu đồng.
Do chi phí giá vốn giảm sâu hơn nên lợi nhuận gộp thu về đạt 302,4 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Trong kỳ, doanh thu tài chính lũy kế ghi nhận hơn 14 tỷ đồng, giảm gần 13% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng thu hẹp hơn 45% về mức gần 20 tỷ đồng.Mặt khác, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp thể hiện hơn 125 tỷ đồng, tăng gần 14% so cùng kỳ.
Sau khi trừ các khoản chi phí, 9 tháng Thực phẩm Sao Ta lãi ròng hơn 168 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, Công ty đã thực hiện được gần 64% chỉ tiêu doanh thu và 96% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu nhờ biên lãi gộp của 3 qúy đạt 11%, cao hơn đáng kể so với mức gần 9,2% của cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận tích cực của Sao Ta là nhờ doanh nghiệp đã chủ động mua lượng lớn tôm nguyên liệu tại thời điểm giá tôm giảm. Theo công ty chứng khoán FPT (FPTS), mức tỷ suất trên 10% hiện nay của Sao Ta là cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này đi vào hoạt động.
Mặt khác có thể thấy hiệu quả kinh doanh của Sao Ta chịu ảnh hưởng lớn bởi giá tôm trên thị trường, khi 80% nguyên liệu tôm vẫn đang phải mua ngoài. Công ty hiện đang có kế hoạch triển khai đầu tư vùng nuôi tôm 83ha tại Sóc Trăng, kỳ vọng nâng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu lên 30%.
Tính đến ngày 30/9/2019, Thực phẩm có tổng tài sản gần 1.366 tỷ đồng, giảm gần 9% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn ghi nhận gần 1.047 tỷ đồng, giảm 12%; tài sản dài hạn ghi nhận gần 319 tỷ đồng, tăng hơn 3%.
Về lượng hàng tồn kho, tính đến hết quý 3/2019 còn 556 tỷ đồng, giảm hơn 280 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu giảm giá trị hàng thành phẩm.