Thời sự
99% doanh nghiệp ĐBSCL chưa hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
Phú Khởi - 11/09/2015 21:16
Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng thì Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất, trong đó khu vực ĐBSCL được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ cho biết, khu vực ĐBSCL có gần 18 triệu dân với 4 triệu ha đất sản xuất. Mỗi năm khu vực đóng góp cho GDP cả nước khoảng 10%, kim ngạch xuất khẩu trên 12 tỷ USD.

ĐBSCL được xem là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, trồng trọt, nuôi, đánh bắt thuỷ hải sản. Tính đến hết năm 2014, cả vùng có  28.500 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chiếm hơn 20% và đang có xu hướng tăng;  nông nghiệp thuỷ sản chiếm 6,5%; thương mại dịch vụ chiếm 43%, còn lại là các lĩnh vực khác.

Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng thì Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất, trong đó khu vực ĐBSCL được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ảnh hưởng của BĐKH nước biển dâng sẽ làm cho cả khu vực mất nhiều diện tích gieo trồng, nuôi thuỷ sản dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, phản ứng dây chuyền kéo theo sự sụt giảm cho nhiều ngành kinh tế khác.

Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng thì Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất, trong đó khu vực ĐBSCL được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

 

Mặc dù đứng trước những rủi ro thách thức như thế, nhưng rất nhiều doanh nghiệp ở khu vực còn rất thờ ơ với BĐKH, nước biển dâng. Trong một cuộc khảo sát do VCCI thực hiện thì hầu hết doanh nghiệp được hỏi đều nắm được kịch bản BĐKH nhưng có đến 99% trong số đó chưa có hoạt động gì nhằm để ứng phó, giảm nhẹ rủi ro.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Đại học Cần Thơ cảnh báo, ĐBSCL đang bị tác động kép của BĐKH, qua kết quả quan trắc nhiều năm của các chuyên gia về môi trường cho thấy nước ngầm ở khu vực đang bị khai thác quá mức làm cho tiến trình sụt lún nền đất diễn ra nhanh hơn. Việc xây dựng các đập thủy điện giữ nước ở đầu nguồn làm cho lượng nước tràn về ít hơn sẽ gây tác động xâm nhập mặn sâu hơn. Tác động do chính con người gây ra cộng hưởng cùng tác động tự nhiên làm cho  BĐKH, nước biển dâng ở khu vực diễn ra nhanh hơn.

Ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, công tác ứng phó chủ động phòng tránh giảm nhẹ thiên tai có vai trò quan trọng hàng đầu nhưng lâu nay nhiều nơi vẫn còn xem nhẹ, đến khi xảy ra thiệt hại nặng nề thì mới dốc toàn lực để khắc phục. Luật phòng chống thiên tai đã có hiệu lực và các nghị định hướng dẫn đã đầy đủ nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thông hiểu và chưa tổ chức thực hiện.

Hội thảo “Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH); các nguy cơ đối với doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL” do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức được tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Tin liên quan
Tin khác