Đó là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua
Thái Bình: Động thổ Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Liên Hà Thái
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát lệnh động thổ Dự án Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Liên Hà Thái (Green iP-1) quy mô 588,84 ha.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Thái Bình nhấn nút động thổ Dự án KCN Liên Hà Thái. |
Cùng tới dự có lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài Chính, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình cùng các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
KCN Liên Hà Thái có diện tích 588,84 ha, vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng, nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình. Đây là dự án trọng điểm đầu tiên trong Khu kinh tế được động thổ để chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, là công trình khởi đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, dấu ấn quan trọng trong việc lan tỏa thu hút đầu tư phát triển Khu kinh tế.
Nằm trong KKT Thái Bình, Green iP-1 được hưởng toàn bộ cơ chế ưu đãi của Khu. Mặt khác, Khu công nghiệp nằm tại vị trí chiến lược kết nối tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồng thời, khi tuyến đường ven biển đi vào hoạt động, khoảng cách tới Cảng Quốc tế Lạch Huyện Hải Phòng sẽ được rút ngắn khoảng 40km, Sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) còn 35km. Đặc biệt, QL.39 hiện hữu chạy dọc KCN nên chủ đầu tư có thể triển khai khai thác được ngay, đây chính là yếu tố tiên quyết để KCN Liên Hà Thái được lựa chọn là KCN trọng điểm triển khai đầu tiên trong Khu kinh tế Thái Bình.
KCN Liên Hà Thái có diện tích 588,84 ha, vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng, nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình. Đây là dự án trọng điểm đầu tiên trong Khu kinh tế được động thổ để chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, là công trình khởi đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, dấu ấn quan trọng trong việc lan tỏa thu hút đầu tư phát triển Khu kinh tế.
Với quỹ đất đủ lớn và hạ tầng hiện đại, dự án đặt mục tiêu thu hút các dự án tỷ đô la Mỹ thuộc ngành nghề điện tử, công nghệ cao có sức ảnh hưởng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, đóng góp lớn cho nguồn ngân sách, tạo hàng chục nghìn việc làm cho người lao động địa phương. Các ngành công nghiệp sau được tập trung kêu gọi đầu tư như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghệ thông tin; phần mềm tin học; Công nghiệp cơ khí, lắp ráp chế tạo máy, tự động hóa, công nghiệp ô tô (sản xuất linh kiện và lắp ráp hoàn chỉnh); Các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ công nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng;
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định: KCN Liên Hà Thái nói riêng và các KCN trong Khu kinh tế nói chung sẽ là điểm đến mới, có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khi đi vào hoạt động sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lan tỏa đến các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, góp phần vào phát triển chung của cả nước.
Để Dự án sớm được triển khai, đồng chí Chủ tịch tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương tạo điều kiện sớm phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Dự án để tỉnh triển khai các bước tiếp theo.
Về phía tỉnh Thái Bình, đồng chí Nguyễn Khắc Thận đề nghị huyện Thái Thụy, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan tập trung giải phóng mặt bằng để bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, phục vụ triển khai thi công công trình, phối hợp với nhà đầu tư bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tài sản trong thi công, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án; công an tỉnh đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, để các dự án được triển khai thuận lợi, hiệu quả nhất.
Lùi thời hạn báo cáo Đề án huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không
Bộ GTVT xin được lùi thời hạn báo cáo Đề án “Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. |
Bộ GTVT vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ này được lùi thời hạn báo cáo Đề án “Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không”.
Theo Bộ GTVT, để triển khai Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch trình Bộ GTVT xem xét, chấp thuận làm cơ sở chỉ đạo, giám sát và tổ chức triển khai thực hiện.
Đối với kế hoạch đầu tư giai đoạn đến năm 2025, trên cơ sở đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT đã có Quyết định số 2729/QĐBGTVT ngày 19/12/2018 phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng tại các cảng hàng không đang khai thác giai đoạn 2018-2025 để triển khai thực hiện.
Về định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, trước nhu cầu đầu tư phát triển, sự quan tâm, mong muốn tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không của nhiều nhà đầu tư tư nhân, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá vai trò và nguồn lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong việc đầu tư phát triển các cảng hàng không; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xã hội hóa đầu tư; căn cứ điều kiện thực tế của Việt Nam để xây dựng Đề án “Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở thực hiện.
Đến nay, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thiện và báo cáo Đề án “Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không”.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, Bộ GTVT thấy rằng “Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” là vấn đề lớn, phức tạp liên quan đến định hướng phát triển, hiệu quả sản xuất kinh doanh của ACV, liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Hơn nữa, hiện nay việc phân định, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho quân sự, hàng không dân dụng, dùng chung còn vướng mắc, cần nhiều thời gian để giải quyết; tài sản kết cấu hạ tầng tại các cảng hàng không do nhiều cơ quan, đơn vị sở hữu và quản lý (Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, UBND các tỉnh, ACV,...); thủ tục, cơ chế đấu thầu /đấu giá chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không (gắn với việc đầu tư 2 nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không1 ) chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,...
Vì vậy, để có đầy đủ cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang tổ chức đánh giá toàn diện, chuyên sâu kết quả từng đề án xã hội hóa làm cơ sở hoàn thiện Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, làm cơ sở công bố danh mục các cảng hàng không kêu gọi đầu tư.
“Với những lý do nêu trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn báo cáo Đề án “Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” vào cuối quý 1/2021”, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị.
EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng
Trong năm 2021, phía EU dự kiến ký kết dự án trị giá 140 triệu EUR hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng.
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam hé lộ điều này trong cuộc trao đổi gần đây với phóng viên Báo Đầu tư. Hiện phía EU đang triển khai gói hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu trị giá khoảng 250 triệu EUR, chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên nhu cầu về năng lượng là rất lớn. |
“Chúng tôi đang chờ quan sát tình hình năm 2021 để cân đối hoặc tăng thêm gói hỗ trợ này cho Việt Nam. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc tình hình thực tế năm 2021, nhưng khả năng cao sẽ tăng mức hỗ trợ cho gói 250 triệu EUR cho Việt Nam”, Đại sứ EU cho biết.
Các chương trình hỗ trợ của EU cho Việt Nam thường kéo dài theo 7 năm, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. EU đang trong quá trình xây dựng chương trình hỗ trợ mới cho Việt Nam trong 7 năm tiếp theo, trong đó vẫn ưu tiên cho lĩnh vực năng lượng.
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, năng lượng tái tạo là lĩnh vực có tác động tích cực. “Chúng tôi đang tài trợ một số dự án phát triển năng lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Chúng tôi thường phối hợp với EVN để tránh trường hợp tài trợ những dự án mà vị trí đó không thuận lợi và gây ra tác động tiêu cực”, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư.
Theo Đại sứ Pháp, trong lĩnh vực năng lượng, Pháp có Tập đoàn Điện lực EDF, còn ở các lĩnh vực khác như phát triển đô thị, có nhiều doanh nghiệp rất am hiểu thị trường Việt Nam và sẽ thúc đẩy các dự án đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Gần đây nhất, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), EU và Chính phủ Việt Nam đã ký các hiệp định tài trợ cho một dự án chung mới về cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ.
Cụ thể, khoản tài trợ dự án chung này có khoản viện trợ không hoàn lại 5 triệu EUR từ EU, khoản vay ODA 123 triệu EUR từ AFD và khoản đối ứng 28 triệu EUR từ ngân sách 4 tỉnh tham gia dự án. Trong đó, 5 đô thị loại nhỏ được hưởng lợi từ dự án này gồm Phát Diệm (Ninh Bình), Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Hoàng Mai (Nghệ An), Hương Khê và Thạch Hà (Hà Tĩnh).
EU đang trong quá trình xây dựng chương trình hỗ trợ mới cho Việt Nam trong 7 năm tiếp theo, trong đó vẫn ưu tiên cho lĩnh vực năng lượng.
Đại sứ EU cho rằng, các đợt thiên tai tàn phá ở miền Trung Việt Nam vừa qua cho thấy, thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Do đó, điều quan trọng là phải hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới một tương lai với khả năng chống chịu và phục hồi tốt.
Cũng theo Đại sứ EU, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của các bên, kể cả các nước phát triển và đang phát triển. Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên nhu cầu về năng lượng là rất lớn, cũng đang hướng đến phát triển năng lượng xanh.
“Thái độ, cách nhìn nhận và xử lý của Việt Nam về biến đổi khí hậu so với các quốc gia châu Âu trước kia là hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng tôi gần đây nhận thấy nỗ lực lớn của Việt Nam trong các chương trình và hoạt động về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Châu Âu rất muốn giới thiệu các mô hình mẫu về ứng phó biến đổi khí hậu đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam để ứng dụng vào thực tiễn”, Đại sứ EU đánh giá.
Theo Đại sứ EU, Việt Nam sẽ cần quá trình lâu hơn nữa để triển khai và đạt được những kết quả về chống biến đổi khí hậu như các quốc gia phát triển đã đạt được, nhưng điều quan trọng là những nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam khi tích cực tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cùng với các quốc gia khác.
Trong khung khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Đại sứ EU cho biết, Việt Nam đã tăng cam kết giảm phát thải CO2 lên 9%, cao hơn so với mức 8% trước đó và dự kiến đến năm 2030, mức giảm phát thải sẽ lên tới 27%.
Hoàn thiện Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch sân bay Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030
Vẫn còn nhiều nội dung cần phải chỉnh sửa trong Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ xây dựng Nhà ga T3 để nâng công suất toàn cảng lên 50 triệu khách/năm |
Bộ GTVT vừa có công văn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Tư vấn rà soát, tính toán cụ thể (kinh tế, xã hội, du lịch,…) để có cơ sở xác định chính xác số liệu dự báo; đồng thời, Tư vấn cần đánh giá cụ thể tiềm năng, lợi thế, cơ hội cạnh tranh, những hạn chế giữa hàng không với các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường sắt để đưa ra số liệu dự báo đảm bảo tin cậy, chính xác.
Về điều chỉnh thời điểm đầu tư một số cảng hàng hàng không, Bộ GTVT đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Tư vấn cần phân tích cụ thể nhu cầu vận tải, sự phát triển kinh tế - xã hội và so sánh khả năng phục vụ giữa các phương thức vận tải để chứng minh việc điều chỉnh thời điểm đầu tư các cảng hàng không cho phù hợp, đặc biệt là cảng hàng không Nà Sản và cảng hàng hàng không Lai Châu.
Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ phải làm rõ một số vấn đề tại Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, trong đó có khái niệm “quốc tế cửa ngõ”; trung tâm Logistics và thành phố sân bay; việc phát triển các phương thức vận tải kết nối với các cảng hàng không có nhu cầu giao thông lớn như: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.
Trước đó, vào ngày 16/11/2020, Bộ GTVT) đã nghe Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa.
Trong đó, 5 cảng hàng không quốc tế cửa ngõ gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành;
So với mạng cảng hàng không toàn quốc theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, hệ thống cảng hàng không toàn quốc trong quy hoạch lần này giảm từ 28 xuống còn 26, trong đó 2 cảng hàng không gồm Nà Sản, Lai Châu được đề xuất quy hoạch xây dựng trong giai đoạn sau năm 2030.
Trong định hướng đến năm 2050, số lượng các cảng hàng không trong cảng nước sẽ gồm 30 cảng hàng không, bao gồm: 15 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không nội địa, trong đó Cảng hàng không thứ 2 cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.
So với giai đoạn đến năm 2030, hệ thống cảng hàng không toàn quốc được bổ sung thêm 4 cảng hàng không gồm: Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và Cảng hàng không thứ 2 cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040).
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất 4 dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 gồm: Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu khách/năm, từng bước triển khai giai đoạn 2 công suất 50 triệu hàng khách/năm; xây dựng Nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để nâng công suất toàn cảng lên 50 triệu khách/năm; mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài xây dựng ga T3 và khu bay phía Nam để đạt công suất 60 triệu hàng không/năm; mở rộng cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đạt công suất lên 25 triệu khách/năm.
Ước tính chi phí đầu tư giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 365.100 tỷ đồng; uớc tính chi phí đầu tư giai đoạn 2030 - 2050 khoảng 866.360 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện quy hoạch được huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư khác nhau như: vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vốn vay thương mại từ các tổ chức tài chính, vốn từ xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP.
Đã tìm được nhà đầu tư cho Dự án PPP đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm
Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình) được chọn là nhà đầu tư tại Dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Nha Trang – Cam Lâm.
Sơn Hải là tập đoàn nổi tiếng làm đường "chuẩn, đẹp" và từng nổi tiếng khi cắm những biển báo bảo hành 5 năm trên những con đường mà mình thi công.
Sơn Hải là tập đoàn nổi tiếng làm đường "chuẩn, đẹp" và từng nổi tiếng khi cắm những biển báo bảo hành 5 năm trên những con đường mà mình thi công. |
Theo xác nhận của ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020.
Theo đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải được đề nghị là nhà đầu tư trúng thầu Dự án với giá trị đề nghị trúng thầu (Vốn góp của nhà nước - VGF) là 1.788,28 tỷ đồng/1.800,28 tỷ đồng.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm có điểm đầu tại Km5+783, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại Km54+00 trùng với điểm đầu dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe thiết kế với vận tốc 80km/h.
Theo hồ sơ mời thầu, Dự án có thời gian xây dựng 2 năm; thời gian thu phí và vận hành khai thác: 16 năm 3 tháng 28 ngày. Tổng vốn đầu tư Dự án được cập nhật sau bước thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình 5.536,15 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 2.556,99 tỷ đồng; phần nhà nước tham gia trong dự án khoảng 2.979,16 tỷ đồng (phần vốn góp của nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án - VGF khoảng 1.800,28 tỷ đồng; phần vốn hỗ trợ của nhà nước khoảng 1.178,88 tỷ đồng thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).
Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt tiến hành công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, đồng thời căn cứ quy định tại hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và các quy định pháp luật có liên quan, phối hợp với Nhà đầu tư rà soát nội dung dự thảo Hợp đồng dự án trước khi trình Bộ GTVT tổ chức đám phán, ký kết Hợp đồng đảm bảo tiến độ.
Theo quy định tại hồ sơ mời thầu, đối với các dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trình phê duyệt kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật; nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở và đánh giá đề xuất tài chính thông qua phương pháp vốn góp nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại; các thông số khác như thời gian hoàn vốn, mức giá dịch vụ,... sẽ được xác định cố định.
Nhà đầu tư có đề xuất giá trị vốn góp nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của nhà nước đã quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu.
Gỡ vướng tiến độ Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị nhà đầu tư Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 khẳng định tiến độ lập công ty BOT, thời gian tiếp tục xây dựng dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng...
Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 (gồm 2 tổ máy, tổng công suất 1.320 MW và tổng mức đầu tư khoảng 55.093 tỷ đồng) đã được UBND tỉnh Quảng Trị và chủ đầu tư là Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) tiến hành khởi công tại Trung tâm Điện lực Quảng Trị (xã Hải Khê, huyện Hải Lăng). Dự án được Chính phủ phê duyệt trong Danh mục dự án nguồn điện đưa vào vận hành giai đoạn 2021-2025, trong đó tổ máy 1 dự kiến đưa vào vận hành năm 2023 và tổ máy 2 vào năm 2024.
Lễ khởi công Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1. |
Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, UBND tỉnh này vừa có cuộc đàm phán trực tuyến với EGATi để thảo luận tiến độ thực hiện Dự án. Lãnh đạo tỉnh đề nghị nhà đầu tư khẳng định tiến độ thành lập công ty BOT tại Quảng Trị, thời gian tiếp tục xây dựng dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng BOT, đề xuất những kiến nghị để tỉnh Quảng Trị cùng tháo gỡ nhằm triển khai dự án thuận lợi.
“Dự án được đánh giá là đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ trên siêu tới hạn tiên tiến có hiệu quả sử dụng năng lượng cao, từ đó giảm tiêu thụ nhiên liệu than, giảm lượng bụi, khí thải và tro xỉ, đảm bảo an toàn môi trường theo QCVN 05:2013/BTNMT”, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nói.
Lãnh đạo tỉnh này cũng khẳng định, ngay từ thời điểm địa phương gặp khó khăn về thu hút đầu tư và chưa có những dự án chủ lực để nâng cao cực tăng trưởng, thì Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị, Hành lang kinh tế Đông - Tây và cả nước nói chung. Đồng thời, đây cũng là dự án quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế và tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Thái Lan.
Theo đại diện Bộ Công thương, EGATi đã có những nỗ lực nhất định trong thực hiện Dự án, nhưng có nhiều nguyên nhân khách quan khiến tiến độ thực hiện chưa đạt như mong muốn, nhất là vướng mắc 6 điểm liên quan đến hợp đồng BOT. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là nhà đầu tư chưa hoàn thành đàm phán hợp đồng BOT với Bộ Công thương, chưa thành lập công ty BOT tại Quảng Trị, chưa thống nhất giá bán điện.
Trong khi đó, từ ngày 1/1/2021, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) có hiệu lực, việc đàm phán hợp đồng BOT có thể phải thực hiện lại từ đầu.
Qua cuộc đàm phán vừa rồi, phía EGATi bày tỏ mong muốn được ký kết tắt hợp đồng trong khi chưa thành lập công ty BOT tại Quảng Trị. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương khẳng định, việc này không phù hợp với pháp luật Việt Nam. Nếu EGATi không thành lập được công ty BOT trong năm nay, mà năm sau mới thực hiện, thì phải áp dụng Luật PPP đối với dự án này.
Ông Lê Đức Tiến cũng cho rằng, kế hoạch thực hiện Dự án mà EGATi đặt ra là chưa có cơ sở khi chưa hoàn tất đàm phám hợp đồng BOT. Nhà đầu tư cần nghiên cứu sớm Luật PPP, cũng như các dự thảo nghị định đã lấy ý kiến các bộ, ngành của Chính phủ Việt Nam để xác định các nội dung đã đàm phán trước đây, điều chỉnh tiến độ thực hiện.
“Quảng Trị quyết tâm thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án trong thời gian tới và sẵn sàng phối hợp cùng nhà đầu tư làm việc với Bộ Công thương để hoàn thành sớm các nội dung mang tính quyết định trong hợp đồng BOT. Đề nghị EGATi cố gắng đăng ký lịch đàm phán trong tháng 12/2020 trước khi Luật PPP có hiệu lực. Công ty cần trình bộ hồ sơ thay đổi các thành viên tham gia đầu tư Dự án, thúc đẩy quá trình thành lập công ty BOT tại Quảng Trị, hạn cuối là tháng 6/2021”, ông Tiến bày tỏ.
Ninh Thuận xin cơ chế giá mua điện đặc thù cho một số dự án được bổ sung quy hoạch điện
Do không có điều khoản nào về giá cho lượng công suất vượt quá 2.000 MW nhưng vận hành trước ngày 1/1/2021 nên tỉnh Ninh Thuận xin bổ sung thêm quy định đặc thù.
Bộ Công thương đã đề nghị các Bộ gồm Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho ý kiến về đề nghị của tỉnh Ninh Thuận về vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và đề xuất quy định đặc thù cho phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tại Ninh Thuận hiện có 31 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.173 MW đã vào vận hành |
Theo đề nghị của tỉnh Ninh Thuận tại văn bản 4071/UBND-KTTH, tới nay trên địa bàn tỉnh đã có 2.617 MW điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.
Hiện Ninh Thuận cũng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án với tổng công suất 2.543 MW, tổng vốn đăng ký là 66.845 tỷ đồng. Theo dự kiến, đến cuối năm 2020, tổng công suất đưa vào vận hành là khoảng 2.463,51 MW.
Trong số 37 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, tới hết tháng 10/2020 có 31 dự án đã công nhận ngày vận hành thương mại với tổng công suất là 2.173,51 MW.
Các dự án dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm 2020 có Dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1 (Thiên Tân 1.2 công suất 100 MWp, Thiên Tân 1.3 công suất 50 MWp và Thiên Tân 1.4 công suất 100 MWp) vừa được cấp chủ trương đầu tư trong tháng 10/2020 và một phần của Nhà máy điện mặt trời BIM2 đang hoàn tất thủ tục để triển khai nốt phần công suất 50 MW còn lại.
Ninh Thuận cũng là trường hợp đặt biệt khi đây là địa phương duy nhất trong cả nước được Chính phủ cho phép hưởng giá mua điện mặt trời là 9,35 UScent/kWh với các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW.
Quyết định 13/2020/QĐ-TTg không nhắc tới giá điện cho các dự án vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng vượt quá tổng công suất 2.000 MW tại tỉnh này.
Bởi vậy, tỉnh Ninh Thuận đề nghị các cơ quan hữu trách cho được hưởng chính sách đặc thù với việc áp dụng giá điện là 7,09 UScent/kWh cho các dự án được bổ sung quy hoạch điện sau ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021.
Hưởng lợi từ đề nghị này sẽ có Dự án điện mặt trời Thiên Tân 1 của Thiên Tân Group có tổng công suất là 250 MWp mới được bổ sung quy hoạch điện vào tháng 10/2020; khoảng 170 MW trong số 450 MW công suất của Dự án điện mặt trời Phước Minh thuộc Tập đoàn Trung Nam được bổ sung quy hoạch hồi tháng 1/2020.
Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia vào cuối tháng 11/2020 đã có 6.150 MW điện mặt trời (trong đó có khoảng 1.500 MW điện mặt trời áp mái) đi vào vận hành. Nghĩa là Ninh Thuận với 2.173,51 MW điện mặt trời đang hoạt động, hiện đã chiếm hơn 1/3 tổng công suất các Dự án điện mặt trời nối lưới quy mô lớn của cả nước đã vào vận hành nhờ có cơ chế đặc biệt ưu đãi là bán điện với giá 9,35 UScent/kWh cho 2.000 MW.
Cấp bách triển khai thu phí cao tốc
Dự kiến tháng 12/2020, Thường trực Chính phủ sẽ họp cho ý kiến dự thảo quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Đây là chủ trương lớn, có tác động sâu rộng không chỉ với nhà đầu tư; người tham gia giao thông trong giai đoạn trước mắt, mà cả với chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ 10 - 20 năm tới.
Hệ thống đường cao tốc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. |
Cần phải khẳng định rằng, hệ thống đường cao tốc có vai trò đặc biệt to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đem lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, lợi ích to lớn về mặt xã hội, an ninh - quốc phòng… Tuy nhiên, đầu tư đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn, trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, vì vậy cần thiết phải huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đường cao tốc. Cũng bởi vậy, việc bổ sung quy định thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sau khi chi các khoản duy tu, bảo dưỡng, sẽ tiếp tục tái đầu tư vào các tuyến cao tốc mới là rất cần thiết.
Cho đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đã cơ bản hoàn tất quá trình xây dựng dự thảo quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định. Vấn đề còn lại là thời điểm triển khai chủ trương này.
Cụ thể, Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo quy định này lo ngại rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, thì việc đặt vấn đề thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ khó nhận được sự đồng thuận cao. Với lý do nói trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu đưa nội dung nào vào Luật Giao thông đường bộ sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2021.
Được biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc nghiên cứu, tổ chức thu phí đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Gần đây, tại Thông báo số 275/TB-VPCP, ngày 6/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Việc triển khai thu phí tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hết sức cần thiết (như ý kiến của các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long); yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1100/VPCP-CN, ngày 23/4/2020”.
Trong khi đó, dù Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội đã đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo pháp luật về phí, lệ phí, nhưng theo Văn bản số 4152/TTKQH-QPAN ngày 2/12/2020 của Tổng thư ký Quốc hội, thì có 52,39% tổng số đại biểu Quốc hội thống nhất chọn ý kiến về thời điểm thông qua Luật vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Như vậy, trường hợp Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được thông qua vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, thì thời gian Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực dự kiến sớm nhất là năm 2022.
Nếu thực hiện theo đề xuất của Bộ Tài chính, gần 600 km đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tiếp tục bị thả trôi ít nhất 2 năm nữa. Điều này sẽ chất thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong 5 năm tới. Đó là chưa kể việc chậm thu phí ngày nào sẽ càng kéo dài sự không công bằng trong xã hội do người hưởng dịch vụ tốt hơn lẽ ra phải trả phí.
Nhiều người trong chúng ta còn thói quen được bao cấp, nhưng trong nền kinh tế thị trường có những sản phẩm giá rẻ hoặc cho không, song vẫn có sản phẩm buộc phải trả tiền thì mới có. Càng kéo dài sự ỉ lại này sẽ càng khó triển khai các chính sách thu phí với các dịch vụ tương tự như đường cao tốc trong tương lai.
Phát triển đường cao tốc là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế hiện đại với những lợi ích đã được chứng minh. Do vậy, cần phát triển đường cao tốc bằng cả ngân sách lẫn vốn xã hội hóa.
Chúng ta không thể hài lòng đã có 1.000 hay 2.000km đường cao tốc là đủ, mà phải cần nhiều hơn để đi lại nhanh hơn, thuận tiện, an toàn hơn.
Chúng ta cũng không thể cứ đi vay vốn ODA về làm đường cao tốc, rồi đi lại miễn phí để sau này con cháu trả nợ. Thế hệ này đi đường cao tốc thì trả chi phí đầu tư để có tiền đầu tư hệ thống đường cao tốc tốt hơn cho con cháu mai sau.
Đây chính là đạo lý trong sử dụng, phân bổ nguồn lực, theo đó, việc thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là thí dụ điển hình.
Đề xuất phương án đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trị giá 3.112 tỷ đồng
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sử dụng vốn đầu tư công sẽ được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn.
Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua tỉnh Phú Thọ. |
Theo đó, ngoài việc xin điều chỉnh phương thức đầu tư Dự án từ PPP, loại hợp đồng BOT sang sử dụng vốn đầu tư công, UBND tỉnh Tuyên Quang còn xin thay đổi khá nhiều nội dung đầu tư so với chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6/12/2019.
Cụ thể, Dự án sẽ có tổng mức đầu tư mới là 3.112,9 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị 2.119,788 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 550 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 19,5 tỷ đồng; chi phí tư vấn xây dựng: 61,118 tỷ đồng; chi phí khác 35,694 tỷ đồng; chi phí dự phòng: 326,844 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư này được xây dựng trên cơ sở cập nhật tổng mức đầu tư đã được phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi là 3.271 tỷ đồng, bỏ chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng.
Trên cơ sở sự cần thiết, cấp bách triển khai Dự án trong điều kiện khó có khả năng huy động vốn tín dụng và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, UBND tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư chuyển đổi toàn bộ Dự án từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công. Cụ thể, Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 3.112,9 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị 2.119,788 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 550 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 19,5 tỷ đồng; chi phí tư vấn xây dựng: 61,118 tỷ đồng; chi phí khác 35,694 tỷ đồng; chi phí dự phòng: 326,844 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư này được xây dựng trên cơ sở cập nhật tổng mức đầu tư đã được phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi là 3.271 tỷ đồng, bỏ chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng.
UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đề xuất phân kỳ đầu tư Dự án chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I, Dự án thực hiện năm 2021 – 2023 sẽ giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh với nền đường rộng 17m; chiều rộng mặt đường 11m, gồm 2 làn xe cơ giới. Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I là 2.653 tỷ đồng. Giai đoạn II Dự án sẽ thực hiện sau năm 2025 sẽ đầu tư hoàn chỉnh với quy mô theo chủ trương được duyệt tại Quyết định số 1768 khi được bố trí vốn với chi phí khoảng 459,970 tỷ đồng.
Trong giai đoạn I, UBND tỉnh Tuyên Quang đề xuất vốn ngân sách Trung ương là 2.100 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 79,16% tổng mức đầu tư giai đoạn I, trong đó đã bố trí 500 tỷ đồng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; vốn ngân sách địa phương 553 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20,84% tổng mức đầu tư giai đoạn I.
UBND tỉnh Tuyên Quang đánh giá, trong trường hợp Dự án được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công sẽ có những tác động tích cực, đảm bảo chắc chắn triển khai thành công dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, nhằm khắc phục, hạn chế những tác động của dịch Covid-19 trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Tại Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có mục tiêu đầu tư khoảng 40,2 km theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT; tổng mức đầu tư khoảng 3.271,09 tỷ đồng (trong đó 500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, 10,79 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, 2.760,3 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng); tiến độ thực hiện từ năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2023.
Trước đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến hết thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Nguyên nhân do trong giai đoạn hiện nay, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án cũng như việc các ngân hàng cho vay vốn để thực hiện dự án BOT là rất khó khăn, các nhà đầu tư không tiếp cận được nguồn vốn vay của các Ngân hàng. Vì vậy, dự án không hấp dẫn nhà đầu tư, đấu thầu sơ tuyển nhà đầu tư không thành công.
Đẩy nhanh tiến độ Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới
Đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đối với Ban Quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới.
Buổi làm việc giữa UBND tỉnh Quảng Bình và đại diện ngân hàng ADB. |
Ngày 16/12, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng vừa có buổi làm việc với đoàn công tác Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về tình hình thực hiện Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới. Dự cuộc họp còn có đại diện Ban Quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới và lãnh đạo các sở ngành liên quan.
Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới có tổng mức đầu tư 38,8 triệu USD, gồm nguồn vốn vay ODA 31 triệu USD và vốn đối ứng 7,8 triệu USD. Với thời gian thực hiện 5 năm, Dự án có 5 hợp phần chính: Cải thiện quản lý nước thải cho khu vực trung tâm thành phố, cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho bán đảo Bảo Ninh, quản lý lũ lụt và cơ sở hạ tầng khác, tái định cư và giải phóng mặt bằng, quản lý Dự án và tăng cường năng lực.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới cho biết: Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2017 và dự kiến sẽ đóng vào ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tiến độ chung của Dự án đang chậm và mới chỉ giải ngân được số vốn nhỏ.
Theo đó, nguyên nhân được xác định là do công tác tuyển chọn đơn vị tư vấn giám sát chậm trễ. Cùng với đó, các vấn đề an toàn bom mìn, vật nổ mới chỉ được giải quyết xong vào cuối tháng 4/2020; diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; mưa lũ kéo dài nhiều ngày; nhà thầu chưa tích cực thi công… cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện Dự án.
Ngoài ra, hiện một số hộ dân chưa chấp nhận giá trị bồi thường hoặc phương án bồi thường bằng tiền đối với các phần diện tích phải giải phóng mặt bằng; quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế, dự toán nhiều lần do chồng lấn phạm vi giới hạn thi công với các dự án khác (Dự án đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông)…
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Nhật Hoàng, đại diện ADB tại Hà Nội lưu ý với tỉnh Quảng Bình và Ban Quản lý dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới cần tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn vay dự án theo kế hoạch; đồng thời có kế hoạch cụ thể theo từng mốc thời gian thực hiện đối với từng hợp phần dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân Dự án quan trọng này trong thời gian tới.
Đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án, Phó chủ tịch Phan Mạnh Hùng yêu cầu Ban Quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới tiếp tục đẩy mạnh thi công và giải ngân các gói thầu đã ký kết hợp đồng; phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng thời thực hiện các thủ tục điều chỉnh tỷ lệ vốn vay và sử dụng vốn dư của Dự án…
Cổ đông ACV đồng thuận đầu tư 99.019 tỷ đồng vào Dự án sân bay Long Thành
Tuyệt đại đa số cổ đông của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã nhất trí đầu tư 99.019 tỷ đồng vào Dự án thành phần 3, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
ACV sẽ đóng vai trò là nhà đầu tư chủ chốt, dẫn dắt tại Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. |
Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ nhất năm 2020 Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) được tổ chức vào ngày 15/12 đã thông qua Nghị quyết số 04 về đầu tư Dự án thành phần 3, Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I.
Theo đó, với hơn 99,8% cổ đông tham dự tán thành, Đại hội đồng cổ đông bất thường đã thông qua việc đầu tư Dự án thành phần 3, Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I do ACV được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư tại Quyết định số 1777/QĐ – TTg ngày 11/11/2020 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I.
Đại hội đồng cổ đông bất thường ACV cũng thông qua tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 (bao gồm các khoản thuế) là 99.019 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư Dự án gồm vốn chủ sở hữu tối thiểu 36.102 tỷ đồng. Phần còn lại sử dụng vốn vay (không sử dụng bảo lãnh Chính phủ) và các nguồn vốn hợp pháp khác (bao gồm cả vốn chủ sở hữu) theo quy định. Trường hợp tăng vốn chủ sở hữu của ACV để đầu tư Dự án, giảm tương ứng chi phí vốn vay và các chi phí liên quan liên quan dự kiến huy động các nguồn vốn khác đầu tư Dự án, bảo đảm đầu tư dự án tiết kiệm, hiệu quả.
Đại hội đồng cổ đông bất thường giao HĐQT ACV triển khai các bước tiếp theo của Dự án theo đúng quy định của pháp luật, Quyết định số 1777 của Thủ tướng, điều lệ và quy chế quản lý nội bộ của ACV.
Vào ngày 11/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1777/QĐ – TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Cụ thể, Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 109.111,7 tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện Dự án là từ 2020 đến 2025.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 – các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện. Trường hợp không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BTL hoặc BLT.
Dự án thành phần 2 – các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được Thủ tướng giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do ACV làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 4 – các công trình khác… sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.
Thủ tướng yêu cầu các dự án thành phần 2, 3, 4 sẽ chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm cùng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp việc đề xuất với Hội đồng Thẩm định Nhà nước về nội dung giao ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện Dự án bằng nguồn vốn doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng giao Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Người đại diện phần vốn Nhà nước tại ACV tổ chức thực hiện đầu tư Dự án thành phần 3 đúng quy định, đảm bảo tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
EVN trao thầu thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng
Gói thầu 1XL-HB xây lắp công trình thuỷ điện Hoà Bình mở rộng do liên danh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty cổ phần Xây dựng 47 và Công ty cổ phần Lilama 10 thực hiện.
Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện Chủ đầu tư.
Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm.
Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ làm tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Gói thầu 1XL-HB “Thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng” là gói thầu lớn nhất của toàn bộ dự án với giá trị gói thầu lên đến hơn 3.100 tỷ đồng, có tính chất phức tạp, điều kiện thi công trong lòng thành phố, phạm vi khối lượng thi công rất rộng.
Thành phần phạm vi công việc bao gồm từ xây dựng công trình thủy điện, xây dựng 2 đường hầm dẫn nước và lắp đặt toàn bộ thiết bị nhà máy và đường ống áp lực bằng thép trong hầm. Gói thầu này có giao diện ảnh hưởng với toàn bộ gói thầu khác quyết định đến tiến độ hoàn thành chung dự án.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu, EVN đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Điện 1 thực hiện bằng phương thức lựa chọn nhà thầu rộng rãi trong nước qua mạng. Đây là gói thầu xây lắp lớn nhất từ trước đến nay thực hiện theo hình thức này.
Căn cứ kết quả lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, Liên danh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần xây dựng 47 - Công ty cổ phần Lilama 10 là tổ hợp nhà thầu có nhiều năng lực và kinh nghiệm trong công tác thi công nhà máy thủy điện lớn của nước ta, như các công trình thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, …
Đề xuất bổ sung vào quy hoạch tuyến cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên
Tuyến cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên dài 180 km sẽ nối từ cảng nước sâu Bãi Gốc, tỉnh Phú Yên qua Tp Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk và kết thúc tại cửa khẩu Đăk Ruê.
UBND tỉnh Phú Yên vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ; Bộ GTVT tiến hành bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cảng Bãi Gốc thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên. |
Theo ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tuyến cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên có tính chất kết nối liên vùng, đóng vai trò quyết định cho việc giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Phú Yên, Đăk Lăk và vùng duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, đảm bảo quốc phòng an ninh và ổn định chính trị trong khu vực.
Đây là tuyến giao thông kết nối với cảng biển loại II - cảng Vũng Rô (cảng tổng hợp, đầu mối địa phương), cảng Hàng không Tuy Hòa, cảng Hàng không Buôn Ma thuột, cửa khẩu quốc tế Đăk Ruê (Việt Nam - Campuchia). Tuyến đường đi qua vùng đất đai rộng lớn có nhiều tiềm năng, nằm trong tam giác phát triển kinh tế vùng Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ Việt Nam.
Tuyến cũng đồng thời kết nối với các tuyến quốc lộ chính yếu và đường quốc lộ có tính chất liên vùng trong khu vực: Tuyến đường ven biển, Quốc lộ 29, Quốc lộ 1, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh.
UBND tỉnh Phú Yên đề xuất, việc đầu tư tuyến đường sẽ thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030. Cụ thể, đoạn từ cảng nước sâu Bãi Gốc, tỉnh Phú Yên đến thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk (giao với đường Hồ Chí Minh) chiều dài 100 km sẽ được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe vào năm 2030; đoạn Buôn Ma Thuột (giao với đường Hồ Chí Minh) - cửa khẩu Đăk Ruê dài 80 km sẽ xây dựng theo quy mô 2 làn xe vào năm 2030.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 2/2/2012), trong đó xác định rõ đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển; cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và hàng không của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh của quốc gia.
Theo đó, định hướng phát triển không gian vùng như sau: Trục không gian kinh tế động lực Đông - Tây là hành lang kết nối giữa vùng kinh tế ven biển với vùng trung du miền núi phía Tây và Tây Nguyên thông qua các tuyến đường giao thông quốc gia và tỉnh lộ; trục không gian kinh tế động lực Bắc - Nam là tuyến Quốc lộ 1 liên kết vùng Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa, gắn kết 2 cực động lực là Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong.