Y tế - Sức khỏe
Ác mộng ngộ độc thực phẩm trường học
Dương Ngân - 29/11/2022 08:05
Ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học là nỗi lo, là ác mộng của phụ huynh có con em học bán trú. Các cơ sở giáo dục cần làm gì để mang đến cho trẻ những bữa ăn an toàn?
Ảnh minh họa.

Hệ lụy kéo dài

Trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường iSchool Nha Trang khiến gần 700 học sinh nhập viện, trong đó có 1 học sinh tử vong, cơ quan chức năng đã phát hiện vi khuẩn Samonella trong mẫu cánh gà chiên có trong bữa ăn của học sinh trường này.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện vi khuẩn Bacillus Cereus trong mẫu cánh gà chiên và nước mắm. Ngoài ra, một vi khuẩn nguy hại khác là Escherichia Coli cũng được phát hiện trong mẫu cánh gà chiên. Như vậy, chỉ trong một miếng cánh gà chiên đã chứa tới 3 loại vi khuẩn nguy hại.

Việc hàng trăm học sinh trường iSchool Nha Trang nhập viện sau khi ăn bán trú tại trường là vụ ngộ độc nghiêm trọng, gióng lên hồi chuông cảnh báo an toàn thực phẩm tại nhiều trường học đang còn bị buông lỏng.

Các loại thực phẩm nhập vào trường không thể nào loại trừ hoàn toàn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bởi ngộ độc xuất phát từ vi khuẩn không thể phát hiện bằng mắt. Theo các chuyên gia Malaysia, tận dụng những bộ kit kiểm tra nhanh vi khuẩn thực phẩm, nguồn nước với chi phí thấp có thể góp phần tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

TS. Cao Văn Trung, Phó trưởng Phòng Giám sát ngộ độc và Thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm) cho hay, đây là vụ ngộ độc lớn nhất trong học đường từ trước đến nay. Trước đây, việc ghi nhận về ngộ độc tập thể đã có, nhưng chủ yếu ở các khu công nghiệp.

Thông tin thêm về những ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh bị ngộ độc, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, bệnh nhân khi xuất viện, dạ dày còn bị ảnh hưởng, ăn uống sẽ khó chịu. Vì thế, người bệnh cần ăn mềm rồi tăng dần lên, hạn chế các đồ chua, cay, ngọt… Bác sỹ Nguyên cũng khuyến cáo, những học sinh bị ngộ độc, trong cơ thể vẫn còn một vài chỉ số lúc xét nghiệm không đạt chuẩn, chỉ số này kéo dài nhiều tháng. Do vậy, bệnh nhân nên kiểm tra, xét nghiệm khi cảm thấy đau trở lại.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học. Năm 2020, dư luận xã hội bất an khi nhiều học sinh tại 2 trường học có tiếng là Trường liên cấp Tiểu học - Trung học cơ sở Pascal và Trường Tiểu học Isaac Newton thuộc Hệ thống Trường liên cấp Newton tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú giữa giờ.

Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng qua kiểm tra, rà soát đã phát hiện cơ sở cung cấp suất ăn là Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất bánh ngọt Gia Bảo không có phiếu kiểm nghiệm theo quy định đối với sản phẩm bánh pizza nhân xúc xích và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất bánh pizza nhân xúc xích.

Bảo đảm bằng niềm tin?

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có 4.526 cơ sở giáo dục với 4.538 bếp ăn tập thể và căng-tin trường học. Các hình thức bếp ăn tập thể trường học đang triển khai gồm: tự tổ chức nấu, liên kết ký hợp đồng với nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn.

Từ năm 2010 đến năm 2021, Hà Nội xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc, không có trường hợp tử vong. Trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học, chiếm tỷ lệ 47,1%.

Trước thực tế trên, trong 2 năm 2021 và 2022, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện gồm: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.

Các trường đều cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh bằng cách công khai cơ sở cung cấp suất ăn, nguồn gốc thực phẩm, quy trình giao nhận, chế biến; thực đơn bữa ăn, danh sách Ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh học sinh tham gia giám sát (công khai theo tuần).

Nhiều trường còn thành lập Tổ giám sát an toàn thực phẩm, có Ban Đại diện cha mẹ học sinh tham gia; Ban Giám hiệu phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện Ban Phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát cùng. Có trường còn quản lý những người ra vào khu vực bếp, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến.

Dù quy trình kiểm soát chặt chẽ là vậy, nhưng nhiều vụ ngộ độc vẫn xảy ra, vậy gốc rễ vấn đề ở đâu? Theo các chuyên gia, ngộ độc không ở quy trình chế biến, mà ở chất lượng thực phẩm cung cấp đến bếp ăn.

Việc kiểm nghiệm thực phẩm của các trường hiện chỉ nhìn bằng mắt thường, không có các thiết bị phân tích, nên không thể phát hiện được các vi khuẩn độc hại nếu cơ sở cung cấp cố tình đưa thực phẩm kém chất lượng đến.

Vấn đề kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm quá sức của các trường, vì vậy cần sự trung thực của nhà cung cấp, không vì chạy theo lợi nhuận mà đưa hàng kém chất lượng. Điều cần hơn cả là các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra cơ sở cung cấp thực phẩm trường học, xử phạt kịp thời nếu phát hiện có gian dối, đồng thời thông báo đến các trường để ngừng hợp đồng.

Một điều nữa, cũng cần nhắc đến, đó là nhà trường phải minh bạch chi phí bữa ăn của học sinh với cha mẹ. Bữa ăn có giá 30.000 đồng thì phải đúng là 30.000 đồng, không được phép cắt giảm chi phí làm bữa ăn chỉ 20.000 đồng bằng cách mua thực phẩm rẻ, không đảm bảo.

Theo dõi các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua, chúng tôi nhận thấy, sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng mới tiến hành xử lý vi phạm. Thiết nghĩ, việc này chỉ phần là ngọn, điều người dân cần là biện pháp phòng chống, chứ không phải khi ngộ độc xảy ra cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Tin liên quan
Tin khác