Nâng cao nhận thức về các bệnh không lây nhiễm
Hội Tim mạch học Việt Nam và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam vừa ký kết thoả thuận hợp tác nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cộng đồng và các cán bộ y tế về các bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay, bao gồm: tim mạch, đái tháo đường và tuyến giáp.
Trong đó, thoả thuận hợp tác có việc xây dựng chuyên trang thông tin www.01minh.com và thực hiện các chương trình đào tạo y khoa liên tục cho các cán bộ y tế trong giai đoạn từ năm 2023-2025.
Trong giai đoạn 2023-2025, website www.01minh.com được xây dựng với mục tiêu tiếp cận khoảng 250.000 lượt truy cập từ bệnh nhân và hơn 4.500 lượt truy cập từ các nhân viên y tế.
Các chương trình đào tạo y khoa liên tục, hợp tác với Merck Healthcare Việt Nam, Hội Tim mạch học Việt Nam sẽ xây dựng chương trình, quản lý và cấp chứng chỉ cho người tham gia.
Ảnh minh hoạ |
Nhận thức của cộng đồng về nâng cao sức khỏe, phòng chống yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm còn chưa đầy đủ. Tỷ lệ người dân có kiến thức đúng về tự theo dõi phát hiện sớm bệnh, chăm sóc, theo dõi và tuân thủ điều trị còn thấp.
Về phía nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực bệnh không lây nhiễm cũng còn thiếu và không đồng bộ. Hạn chế về năng lực chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh, huyện và xã. Nhiều tài liệu hướng dẫn chuyên môn chưa được chuẩn hóa, thống nhất áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó là những khó khăn về việc thiếu thuốc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là tại các trạm y tế cơ sở… Những khó khăn, hạn chế trên cần nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ từ nhiều phía.
Trong tương lai, website sẽ được đầu tư hơn nữa để có thể trở thành “cẩm nang” y khoa cho mọi người dân. Nhiều người có cơ hội tiếp nhận kiến thức đúng về bệnh sẽ có khả năng phòng tránh bệnh chủ động, thậm chí nhắc nhở, giúp đỡ người thân của mình cùng phòng bệnh.
Nhiều vi khuẩn trong cánh gà chiên và nước mắm là nguyên nhân ngộ độc tại trường iSchool Nha Trang
Chiều tối ngày 22/11, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa có thông báo về vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang.
Theo thông báo kết quả xét nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại Công văn số 2770/IPN-ATTP ngày 22/11/2022 của Viện Pasteur Nha Trang, kết quả cho thấy:
Phát hiện vi khuẩn Samonella trong mẫu cánh gà chiên; Phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên và nước mắm. Chủng Bacillus cereus có trong cánh gà và nước mắm là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu; Phát hiện vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên.
Hiện tổng số ca bị ngộ độc đang điều trị trong các bệnh viện ở Nha Trang là 137 ca (giảm 74 ca so với ngày 21/11).
Trong đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh đang điều trị: 44 ca; Bệnh viện 22-12: 50 ca; Bệnh viện quân y 87: 5 ca; Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec: 23 ca; Bệnh viện đa khoa Sài Gòn- Nha Trang: 10 ca; Bệnh viện đa khoa Tâm Trí: 5 ca.
Đoàn công tác của Bộ Y tế do TS. Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Trưởng đoàn, cùng một số chuyên gia đầu ngành về chống độc của Trung tâm Chống độc, Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai, đã đến tỉnh Khánh Hoà để hỗ trợ giải quyết các vấn đề chuyên môn liên quan đến vụ ngộ độc tập thể.
Đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện 22-12, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec và làm việc với lãnh đạo các đơn vị đánh giá tình hình tiếp nhận, xử trí, theo dõi, điều trị các ca bệnh ngộ độc thực phẩm.
Đoàn công tác đã làm việc với Sở Y tế Khánh Hoà và kết luận một số công tác xử trí ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường quốc tế iSchool như: Sở Y tế đã chỉ đạo kịp thời cho các đơn vị điều trị tập trung nhân lực, thuốc, thiết bị y tế để tiếp nhận cấp cứu, theo dõi, điều trị các trường hợp ngộ độc. Các cơ sở điều trị đã áp dụng đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Đồng thời nhắc các bệnh viện tiếp tục theo dõi, chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Sở Y tế phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm và phối hợp với Công an, các cơ quan ban ngành, địa phương sớm tìm ra nguồn gốc gây ngộ độc.
Gần 85.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm trong ngày 22/11
Bộ Y tế vừa cập nhật số liệu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mới nhất trong ngày 22/11, có 84.989 liều vắc-xin được tiêm tại 31 địa phương, trong đó 84.989 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 42.880 mũi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi.
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 51.460.483 mũi tiêm (79,4%), trong ngày có 25 địa phương triển khai với 10.157 người được tiêm.
Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,2%); Bình Định (59,3%); Phú Yên (61,5%); Đồng Nai (53,7%); Đồng Tháp (60%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,9%); Sóc Trăng (100%).
Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 16.812.453 mũi tiêm (85,3%), trong ngày có 26 địa phương triển khai với 25.850 người được tiêm.
Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 5.602.583 trẻ (65,7%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,9%); Phú Yên (40,5%); Bình Thuận (42,7%); TP.HCM (36,1%); Đồng Nai (42,3%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,7%); Lâm Đồng (93,5%); Sóc Trăng (99,7%).
Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 17.318.405.
Mũi 1: 10.024.202 trẻ (90,4%) tăng 0,2%. Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (76,2%); Quảng Trị (77,7%); Đà Nẵng (67,6%); TP.HCM (63,9%); Đồng Nai (81%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Quảng Ninh (100%); Hoà Bình (99,5%); Lai Châu (99,7%).
Mũi 2: 7.294.203 trẻ (65,8%) tăng 0,7%. Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (46,8%); Đà Nẵng (32,1%); Quảng Nam (34,9%); TP.HCM (37%); Đồng Nai (45,8%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,4%); Sóc Trăng (99,8%); Cà Mau (97,5%).