Nguồn: Getty Images |
Theo một cuốn sách mới có tựa đề "Tài trợ cho cơ sở hạ tầng tại châu Á" mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa xuất bản, các nước đang phát triển ở châu Á cần đầu tư hơn 5% GDP trong thập niên tới để đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng này.
Cuốn sách đề cập đến việc nhiều quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang đầu tư dưới mức đề xuất là 5% GDP cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Với mức này, việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng để duy trì và giữ ổn định tăng trưởng kinh tế sẽ là một thách thức không nhỏ.
Trong một báo cáo, ADB ước tính nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ vượt mức 22.600 tỷ USD cho đến năm 2030, hoặc 1.500 tỷ USD mỗi năm.
Con số này sẽ tăng lên trên 26.000 tỷ USD, hay 1.700 tỷ USD mỗi năm, nếu bao gồm cả chi phí cho việc giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để giải quyết thách thức đó, cuốn sách đề xuất một loạt các giải pháp chính sách như cải cách thiết chế và tài chính công để tạo môi trường thuận lợi hơn cho quan hệ đối tác công tư.
Cuốn sách đưa ra các giải pháp sáng tạo dưới dạng tài trợ thuế, đầu tư cho giao thông công cộng và các mạng lưới điện thông minh nhằm góp phần giải quyết sự thiếu hụt về nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, các biện pháp nhằm thu hút đầu tư dài hạn từ các nhà đầu tư tổ chức và các cơ chế để phát triển các thị trường trái phiếu của khu vực cũng được nêu trong cuốn sách.
Theo Phó Chủ tịch phụ trách phát triển bền vững và quản lý tri thức của ADB Bambang Susantono, các quốc gia đang phát triển ở châu Á cần tìm kiếm các giải pháp tài trợ sáng tạo, đổi mới để đáp ứng nhu cầu đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng.
Ông Susantono bày tỏ tin tưởng rằng cuốn sách với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài, ADB sẽ vạch ra những hướng đi cụ thể cho việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng như sẽ là những gợi ý cho việc tìm kiếm các giải pháp.