Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
ADB dự báo trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,9% cho năm 2018, thấp hơn so với mức 7,1% được dự báo trong tháng Tư do xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm. ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam ở mức 6,8%.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế đạt được trên tất cả các lĩnh vực, với động lực là ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rông, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, và đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước.
Cũng theo lãnh đạo ADB, nền kinh tế nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng chi tiêu công trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong đầu tư.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dễ ảnh hưởng bởi những thách thức trong và ngoài nước. Căng thẳng thương mại leo thang toàn cầu cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam. Áp lực lạm phát có thể sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn do giá dầu quốc tế tăng và giá lương thực tăng. Do đó, ADB đã điều chỉnh lạm phát của Việt Nam lên 4% trong năm 2018 và 4,5% cho 2019, tăng so với ước tính trong tháng 4 tương ứng là 3,7% và 4%.
Cũng theo đánh giá của ADB, triển vọng tiêu dùng tư nhân tiếp tục sáng sủa, trong khi triển vọng đầu tư tư nhân vẫn ổn định nhờ những nỗ lực không ngừng của chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp mới. Việc đẩy nhanh chi tiêu đầu tư công trong nửa cuối năm nay dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng đầu tư.
Tăng trưởng trong xuất khẩu hàng hóa có thể sẽ giảm trong giai đoạn trước mắt, mặc dù việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do khác nhau sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục tiếp cận thị trường nước ngoài đối với các ngành hàng xuất khẩu lớn.
Trong bối cảnh phức tạp của môi trường kinh tế vĩ mô mới nổi lên, Việt Nam đang thận trọng triển khai các chính sách tài khoá và tiền tệ để duy trì sự ổn định đồng thời vẫn hỗ trợ tăng trưởng. Chính sách tài khóa tiếp tục tập trung vào việc mở rộng cơ sở thuế và tăng cường công tác quản lý thuế. Mặc dù ngân hàng trung ương đã giữ nguyên lãi suất chính sách nhưng vẫn áp dụng những biện pháp khác để ổn định tỷ giá, cụ thể là bán USD cho các ngân hàng thương mại trong tháng Bảy và tháng Tám. Lãi suất tín phiếu ngân hàng nhà nước phát hành kể từ cuối tháng Bảy cũng đã được điều chỉnh tăng, đẩy lãi suất thị trường tiền tệ liên ngân hàng lên.
ADB dự báo trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước dự định sẽ theo đuổi một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn với mục tiêu cuối cùng là dần dần chuyển đổi khuôn khổ chính sách tiền tệ từ tập trung vào ổn định tỷ giá và mục tiêu tín dụng-tiền tệ sang mục tiêu lạm phát. Dựa trên các biện pháp được tiến hành gần đây và định hướng chính sách trong tương lai, Việt Nam cần xem xét việc áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong thời gian trước mắt để kiềm chế lạm phát.
Với khoảng thời gian còn lại của năm, ADB đặc biệt khuyến nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến nhập siêu, biến động dòng tiền, diễn biến tình hình thương mại thế giới cũng như biến động lãi suất khu Fed nâng lãi suất cơ bản đồng USD.