Thời sự
ADB: Gói hỗ trợ tài khóa có thể nâng lên khoảng 5% - 7% GDP
Khánh An - 05/12/2021 09:12
Ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn, nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế - Chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đề xuất.
Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam phát biể tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021  sáng 5/12

Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, các nền kinh tế có nhiều giải pháp hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp.

Có thể là trợ cấp, hỗ trợ thanh khoản (bơm vốn, bảo lãnh tín dụng; kéo dài thời gian áp dụng bảo lãnh….)

Có các giải pháp đến miễn giảm, cho phép giãn, hoãn khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuế đất, thuê đất, các khoản đóng góp an sinh xã hội; không phạt các khoản nộp trả chậm; nhiều nước giảm phí nhiên liệu bay, phí sân bay, bến cảng, nhà ga…

Ngoài ra, một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản cho phép kéo dài chuyển lỗ (Trung Quốc, Nhật Bản). Hồng Kông (Trung Quốc) còn áp dụng tăng khấu trừ thuế, miễn lệ phí đăng ký kinh doanh.

“Nhìn chung các biện pháp hỗ trợ gián tiếp hướng nhiều hơn đến hỗ trợ thanh khoản (như đảm bảo khoản vay) hơn là hỗ trợ khả năng thanh toán (như bơm vốn chủ sở hữu), và thường dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Cường phân tích.

Nhìn vào cơ cấu các biện pháp tài khóa, có thể thấy ngoài một số ít quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, thì đa phần các nước đều phải dựa phần nhiều vào các biện pháp tài khóa trực tiếp (tăng chi hỗ trợ, miễn giảm hoãn thuế) hơn là các hình thức hỗ trợ gián tiếp thông qua các khoản vay lãi suất thấp, cấp vốn, bảo lãnh.

"Quy mô các gói hỗ trợ tài khóa trong khu vực có sự phân biệt do tiềm lực kinh tế và không gian tài khóa của mỗi quốc gia cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh”, ông Cường phân tích.

Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan có các gói kích thích tương đối lớn, chiếm trên 15% GDP. Các nước còn lại quy mô các gói kích thích khiêm tốn hơn.

Việc thực hiện các gói kích thích kinh tế đã khiến các nước đối mặt với bội chi và ngân sách tăng cao, một số nước đã phải áp dụng việc nới lỏng trần nợ công để ứng phó với đại dịch, gần đây nhất là Thái Lan đã nâng trần nợ công từ 60% lên 70% GDP.

Nhìn vào gói hỗ trợ của các nước trong khu vực có thể thấy các khoản chi dành cho lĩnh vực y tế, sức khỏe và hỗ trợ thu nhập chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị của gói kích thích tài khóa. Các nhà hoạch định chính sách ở ở các quốc gia đều tận dụng bảo trợ xã hội như một trong những công cụ quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng để duy trì tiêu dùng hộ gia đình và chống lại sự suy giảm kinh tế.

Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, do khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19 mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính nên giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.

“Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo song vẫn cần có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển”, ông Cường nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo, trong ngắn hạn Việt Nam có thể chấp nhận mức bội cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên về dài hạn hơn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi NSNN để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Gói hỗ trợ tài khóa có thể nâng lên khoảng 5% - 7% GDP.

Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân và người lao động (đặc biệt là lao động tự do, lao động không chính thức), hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp hướng vào các ngành lan tỏa và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch; các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó các khoản trợ cấp trực tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng.

Về dài hạn với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.

--

Tin liên quan
Tin khác