Sáng 25/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019.
Trong báo cáo này, ADB lưu ý rằng, mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam có chậm lại trong nửa đầu năm 2019, song Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng vững vàng trong năm nay và năm sau, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Việc ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu gần đây và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn.
Các chuyên gia ADB chủ trì họp báo |
Do đó, ADB vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,8% trong năm 2019 và 6,7% cho năm 2020.
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 là 6,8%, dự báo lạm phát giảm xuống còn 3% |
Các dự báo lạm phát của ADB cũng được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3,0% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% cho năm 2020. Theo ADB, lạm phát bình quân tính theo năm trong 8 tháng năm 2019 đã được “kiềm chế” ở mức 2,6%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Dù điểu chỉnh dự báo lạm phát năm 2019 của Việt Nam giảm xuống 3% nhưng ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB lưu ý rằng, trong khoảng thời gian cuối năm có thể có những biến động gây sức ép đến lạm, do đó vẫn cần phải theo dõi.
Mặc dù, giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam trong năm nay và năm tới, nhưng báo cáo của ADB cũng nêu lên những rủi ro đáng kể đối với dự báo tăng trưởng kinh tế. Căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm, gây tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đối với khu vực châu Á, ông Nguyễn Minh Cường cho biết, ADB hạ dự báo tăng trưởng chung trong năm 2019 của nhóm các nước châu Á đang phát triển từ mức 5,7% xuống 5,4% và năm 2020 dự báo đạt 5,5%, thấp hơn 0,1% so với dự báo trước đó.
Về triển vọng trong thời gian tới, ADB cho rằng, Luật đầu tư công mới được sửa đổi sẽ cải thiện đầu tư công thông qua việc đẩy nhanh quy trình và thủ tục và giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Xét theo ngành kinh tế, triển vọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tiếp tục tích cực, song nông nghiệp sẽ bị chậm lại. Chỉ số quản trị mua hàng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong 8 tháng đầu năm vẫn trên 50, đây là dấu hiệu tích cực. Sản lượng khai khoáng sẽ tiếp tục phục hồi, và ngành xây dựng dự báo sẽ duy trì tăng trưởng mặc dù tín dụng cho lĩnh vực bất động sản bị thắt chặt hơn. Khu vực dịch vụ cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với sự mở rộng trong bán lẻ và bán buôn để đáp ứng nhu cầu trong nước, và lượng du khách gia tăng sẽ đạt được mục tiêu 15 triệu lượt khách vào cuối năm nay.