Ngân hàng ADB ban hành quy định mới về cho vay đối với các nền kinh tế phát triển. (Nguồn: bworldonline) |
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết đã phê chuẩn quyết định ban hành các điều khoản cho vay đa dạng đối với các nền kinh tế và nước thành viên đang phát triển, theo đó các nhóm có thu nhập cao hơn sẽ phải trả phần bù đáo hạn cao hơn cho các khoản vay dài hạn.
Theo thông báo của ADB, cơ chế mới sẽ được thực hiện từ ngày 1/1//2021.
Các nước nhận các khoản vay và trợ cấp từ ADB được chia làm ba nhóm A, B, và C theo tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người và tín nhiệm.
ADB cho hay chỉ các thành viên của ba nhóm này được tiếp cận các khoản vay và tài trợ.
Danh sách các nước trong mỗi nhóm sẽ được cập nhật trước khi áp dụng cơ chế mới, với các số liệu mới nhất về GNI bình quân đầu người.
Các điều khoản tài trợ được đưa ra cho các nước và các nền kinh tế thuộc nhóm A và B đã được đa dạng hóa với sự kết hợp các khoản trợ cấp, các khoản vay ưu đãi và khoản vay theo thị trường.
Các nước nhóm C có sự chênh lệch lớn hơn về thu nhập bình quân đầu người nhưng cùng tuân thủ các điều khoản tài trợ chung.
Theo quy định mới, ADB cho biết các nước nhóm C sẽ được chia thành một số nhóm nhỏ theo GNI là nước có thu nhập trung bình thấp, trung bình cao và cao.
Các nước có thu nhập trung bình cao sẽ phải chịu phần bù đáo hạn đối với các khoản vay dài hạn cao hơn.
Chẳng hạn, các nước có thu nhập trung bình cao, với GNI bình quân đầu người 6.976-12.375 USD (theo giá cả năm 2018) sẽ phải chịu phần bù đáo hạn cao hơn đến 30 điểm cơ bản, tùy theo kỳ hạn khoản vay.
Theo ADB, quy định mới sẽ đưa ra các điều khoản có lợi hơn cho những nước dễ bị tổn thương hơn như các quốc đảo đang phát triển và các nước đang chuyển đổi từ nhóm B sang nhóm C.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho rằng cơ chế đánh giá hiện nay chỉ cho phép các nước nhận được các khoản vay theo thị trường, không phản ánh được mức độ đa dạng giữa các nước về thu nhập, năng lực huy động các nguồn vốn trong nước và tiếp cận thị trường vốn.