Thời sự
AEC không chỉ mang lại lợi ích kinh tế
Mạnh Bôn - 25/11/2015 08:44
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được hình thành vào ngày 31/12/2015. Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, AEC không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho hơn 600 triệu dân ASEAN, mà còn đem đến nhiều lợi ích khác nữa.

Quan điểm của ông về việc thành lập AEC vào cuối năm nay?

Cũng như công dân các nước ASEAN, tôi rất vui khi lãnh đạo 10 nước ASEAN đã chính thức ký kết thành lập AEC vào ngày 22/11/2015 tại Malaysia. AEC được thành lập với thị trường hơn 600 triệu dân, chiếm khoảng 8,8% dân số thế giới, có GDP đứng thứ 10 thế giới (ước vào khoảng 2.500 tỷ USD), sẽ trở thành đối trọng với bất cứ nền kinh tế nào, với bất cứ khu vực kinh tế nào.

ASEAN không chỉ là liên minh kinh tế, mà còn là liên minh chính trị, văn hóa và xã hội. Vì thế, khi ASEAN ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau hơn, thông qua việc hình thành AEC, thì tiếng nói chung của các nước trong khu vực ngày càng có trọng lượng hơn tới mọi vấn đề trên thế giới.

 TS. Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Có thể nói, kể từ khi thành lập ASEAN (ngày 8/8/1967) với 5 quốc gia ban đầu gồm Thái Lan,    Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines, thì đây là sự kiện lớn thứ 2, đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá của khu vực. Sự kiện đột phá lần đầu  chính là việc ASEAN kết nạp Việt Nam làm thành viên chính thức vào ngày 28/7/1995, mở đường để kết nạp tất cả các thành viên còn lại.

Xét riêng về yếu tố kinh tế, cụ thể là hoạt động xuất - nhập khẩu, dường như Việt Nam không được hưởng lợi từ ASEAN vì nhập siêu từ khu vực này ngày càng lớn, thưa ông?

Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN 15,41 tỷ USD, nhập khẩu 19,65 tỷ USD. Còn năm 2014, xuất khẩu hơn 19,12 tỷ USD, nhập khẩu trên 22,97 tỷ USD. 

Nhìn vào những con số khô khan này thì rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam gặp bất lợi khi nhập siêu ngày càng lớn trong khu vực. Nhưng khi phân tích một cách kỹ hơn, dễ dàng nhận ra rằng, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam với 9 thành viên khác trong khu vực ASEAN tăng rất mạnh.

ASEAN là một trong 5 thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hơn nữa, chúng ta chủ yếu xuất khẩu dầu thô, nông - thủy sản; nhập khẩu chủ yếu là xăng dầu thành phẩm, máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ nền kinh tế, chế biến hàng xuất khẩu. Nếu không có hàng nhập khẩu từ ASEAN, thì chúng ta cũng phải tìm thị trường khác để nhập khẩu và tìm thị trường khác để xuất khẩu.

Thành lập AEC, tôi cho rằng, mặc dù cán cân thương mại Việt Nam - ASEAN có thể vẫn nghiêng về ASEAN trong những năm đầu, nhưng tổng thể nền kinh tế được hưởng lợi, cả xã hội được hưởng lợi. Nhưng phần quan trọng không kém là người dân trong khu vực, trong đó có Việt Nam được hưởng lợi từ việc có chung một tiếng nói trong giải quyết nhiều vấn đề về chính trị trên thế giới.

Chưa biết tiếng nói chung thế nào, nhưng thực tế là Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia xuất khẩu gạo lớn của thế giới vẫn mạnh ai nấy làm, cạnh tranh lẫn nhau khiến cả 2 cùng bị thiệt hại?

Ý tưởng thành lập Hiệp hội Các nước xuất khẩu gạo ở ASEAN gồm Việt Nam, Thái Lan và mới xuất hiện thêm Campuchia (mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo) cũng đã được nhiều lần bàn đến nhưng chưa thành hiện thực.

Ai cũng biết, các nước cùng xuất khẩu một mặt hàng mà không liên kết với nhau, mạnh ai nấy làm, đua nhau hạ giá thì ai cũng bị thiệt hại, chỉ nước nhập khẩu là được hưởng lợi.

Mặc dù biết được điều này, nhưng khu vực ASEAN được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng gạo. Vì vậy, nước nào cũng cố gắng bán được càng nhiều càng tốt, chạy đua với nhau để tiếp cận thị trường, trong khi nguồn cung lương thực trên thế giới mấy năm gần đây tăng mạnh, nhiều nước trước đây phải nhập khẩu thì nay đã trở thành nước xuất khẩu lương thực.

Ông có hy vọng khi AEC được thành lập, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia có thể ngồi lại với nhau để giảm thiểu thiệt hại trong xuất khẩu gạo của mỗi nước?

Tôi hy vọng như vậy, nhưng thực sự thì đây sẽ là một quá trình dài, không thể một sớm môït chiều. Muốn thành lập được Hiệp hội Các nước xuất khẩu gạo ASEAN, tương tự như Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thì các thành viên phải thống nhất được chuẩn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

Làm được điều này cần phải có thời gian khá dài, vì ngay như Việt Nam đã xuất khẩu gạo gần 30 năm, nhưng vẫn chưa có thương hiệu gạo, chưa có tiêu chuẩn về chất lượng gạo xuất khẩu. Và ngay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, cùng là thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) còn cạnh tranh với nhau bằng mọi giá, thì rất khó ngồi cùng với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của các nước khác.

Tin liên quan
Tin khác