Doanh nghiệp
Aeon “kết” 4 nhóm hàng của Việt Nam
Thế Hải - 06/05/2019 18:28
Dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe là 4 nhóm hàng hóa của Việt Nam được Tập đoàn Aeon đặt trọng tâm thu mua trong năm 2019.
Từ năm 2008 đến nay, Aeon đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động 4 trung tâm mua sắm hiện đại tại Việt Nam.

Mục tiêu 1 tỷ USD

Bộ Công thương vừa tổ chức Hội thảo tập huấn, kết nối doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng của Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) tại TP.HCM và Hà Nội. Hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đã trực tiếp gặp gỡ, kết nối với bộ phận mua hàng thuộc 4 ngành hàng là dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe của Aeon Việt Nam.

Ông Yasuo Nishitoghe, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, đây là 4 nhóm hàng Aeon đặt trọng tâm thu mua từ Việt Nam trong năm 2019. Các nhà cung ứng Việt nếu hoàn thành đúng yêu cầu đặt ra từ Aeon, thì sẽ được lựa chọn là nhà cung cấp hàng xuất khẩu cho Aeon, đồng thời được nhận hỗ trợ từ Aeon để hàng hóa sản xuất ra đánh trúng và đúng nhu cầu thị trường.

“Chúng tôi là tập đoàn bán lẻ lớn tại thị trường Nhật Bản, với nhu cầu thu mua lượng hàng hóa rất lớn. Hệ thống cửa hàng của Aeon bán nhiều sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới và tất cả đều phải trải qua quá trình sát hạch trước đó. Hàng hóa đã được bán ở hệ thống của Aeon đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể thắng được trong cuộc cạnh tranh quốc tế”, ông Yasuo Nishitoghe nói.

Nguyên tắc cốt lõi mà Aeon theo đuổi khi chọn nhà cung cấp là yên tâm, tin cậy và chất lượng cao. Aeon yêu cầu các nhà cung cấp phải tuân thủ quy định ở tất cả giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng, giao hàng... theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành lẫn các tiêu chuẩn riêng của Tập đoàn.

Từ năm 2008 đến nay, Aeon đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động 4 trung tâm mua sắm hiện đại tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng ký kết hợp tác với Bộ Công thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa qua hệ thống bán lẻ Aeon. Mục tiêu đến năm 2020, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Aeon đạt 500 triệu USD và đến năm 2025 đạt 1 tỷ USD.

Cụ thể, Aeon cam kết tăng lượng hàng Việt tại các siêu thị Aeon ở Việt Nam, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất cho nhà cung cấp Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn của Aeon; hỗ trợ tiếp cận nhu cầu người tiêu dùng tại Nhật Bản và tăng cường thu mua hàng Việt bán trong toàn hệ thống Aeon.

Cơ hội cho các nhà cung cấp Việt

Tính đến cuối năm 2018, xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống Aeon đạt 250 triệu USD, gồm các mặt hàng: thủy sản, thủ công mỹ nghệ, dệt may, giày dép, thực phẩm… Dù sản lượng và giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua hệ thống Aeon tăng đều hàng năm, nhưng hầu hết được xuất khẩu bởi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2018, xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống Aeon đạt 250 triệu USD, gồm các mặt hàng: thủy sản, thủ công mỹ nghệ, dệt may, giày dép...

“Các nhà cung cấp Việt cần bắt nhịp sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn mà chúng tôi đặt ra nhanh hơn để biến cơ hội thành các đơn hàng xuất khẩu”, đại diện Aeon lưu ý.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch TP. Hà Nội cho hay, thực tế cho thấy, để tiếp cận người tiêu dùng Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung không dễ dàng. “Chúng tôi đã hợp tác với Aeon trong năm 2018 để đưa 16 mặt hàng bán tại 40 điểm ở Nhật Bản trong Tuần lễ hàng Việt Nam - Hà Nội tại Nhật Bản, nhưng doanh số vẫn khiêm tốn ở mức 6 tỷ đồng trong tuần trưng bày”, bà Mai Anh cho biết.

Chặng đường để hàng Việt gia tăng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2015 dù không dễ, nhưng tình thế vẫn có thể được xoay chuyển khi các doanh nghiệp có quyết tâm đầu tư. Minh chứng là, với sự hỗ trợ của Aeon, đã có không ít sản phẩm của Việt Nam tiếp cận được thị trường Nhật Bản với doanh số tăng cao.

Đơn cử, trong năm 2018, sản phẩm cá ba sa của một nhà máy tại Bến Tre đạt sản lượng xuất khẩu tăng gấp 20 lần năm 2017 và đạt 1.000 tấn qua Nhật Bản. Dự kiến, năm 2019 nhà máy này sẽ xuất khẩu 1.500 tấn, tất cả đều đạt tiêu chuẩn chứng nhận ASC (là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động).

Tin liên quan
Tin khác