Doanh nghiệp
Aeon “thu mình” và chuyện lựa chọn đối tác ngoại của doanh nghiệp Việt
Anh Vũ - 09/10/2018 13:21
Tin cuộc hôn nhân giữa đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon với chuỗi siêu thị Fivimart của CTVP Nhất Nam “tan vỡ” khiến nhiều người bất ngờ.

“Chia tay” người đẹp Fivimart

Tin cuộc hôn nhân giữa đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon với chuỗi siêu thị Fivimart của CTVP Nhất Nam “tan vỡ” khiến nhiều người bất ngờ. Fivimart đã công bố thay đổi bộ nhận diện thương hiệu đến các đối tác, khách hàng. Từ ngày 28/9, Fivimart chỉ sử dụng logo Fivimart mà không đặt kèm logo Aeon như 3 năm hợp tác vừa qua.

Trên trang fanpage chính thức của hệ thống này đã cập nhật ảnh đại diện mới, và không còn thương hiệu Aeon đính phía trước. Website của hệ thống này cũng ngừng hoạt động để sửa chữa.

Đây không phải lần đầu tiên, Aeon lận đận khi hợp tác với doanh nghiệp Việt. Trước đó, Aeon đã thất bại với Trung Nguyên khi phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích Ministop qua hình thức nhượng quyền thương hiệu. Năm 2015, việc hợp tác này không hiệu quả khiến Ministop dừng hợp tác với Trung Nguyên.

Ba năm sau, Tập đoàn này tuyên bố mua 30% cổ phần của CTCP Nhất Nam (đơn vị sở hữu Fivimart). Với 10 siêu thị hiện nay, Fivimart là chuỗi siêu thị lớn tại miền Bắc. Aeon Việt Nam cũng mua 49% cổ phần Citimart - chuỗi siêu thị lớn tại phía Nam.

Song, Fivimart lại có kết quả kinh doanh không khả quan. Năm 2016, chuỗi siêu thị Fivimart đạt doanh thu 1.243 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% so với năm trước đó. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn báo lỗ 96 tỷ đồng, cao gần gấp đôi mức lỗ năm 2015. Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart sau 3 năm hợp tác với Aeon Việt Nam lên tới gần 200 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỷ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của chuỗi siêu thị Citimart cũng có tăng trưởng khoảng 15%, đạt gần 1.600 tỷ đồng trong năm 2016. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế lên tới 157 tỷ đồng.

Giống như nhiều đại gia bán lẻ khác, Aeon coi Việt Nam là thị trường quan trọng thứ 2 tại Đông Nam Á sau Malaysia. Aeon chính thức bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện. Đến năm 2011, Công ty TNHH Aeon Việt Nam chính thức được thành lập với vốn điều lệ 192,38 triệu USD.

Hãng bán lẻ này dự kiến đến năm 2020 mở 200 siêu thị/cửa hàng trên cả nước, trong đó có 20 trung tâm thương mại, với mục tiêu doanh số cán mốc 100 tỷ yên, bằng hơn 18.000 tỷ đồng.

Fivimart đã công bố thay đổi bộ nhận diện thương hiệu đến các đối tác, khách hàng.

Chuyện lựa chọn đối tác ngoại

3 năm trước khi chọn Aeon làm đối tác chiến lược, Fivimart kỳ vọng bổ sung nhiều cái còn thiếu của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

“Việc lựa chọn hợp tác với một công ty có chung ngành nghề sẽ bổ sung  những cái thiếu, cái yếu của doanh nghiệp Việt so với nhà bán lẻ nước ngoài về nhiều mặt. Aeon sẽ bổ sung được những cái yếu đó”, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Nhất Nam chia sẻ thời điểm đó và tỏ rõ tham vọng Fivimart sẽ trở thành hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam.

Thế nhưng, cách Aeon triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho thấy, họ nhắm tới một đích đến xa hơn khi triển khai các chân rết của mình ở những địa điểm chiến lược, nhất quán và cùng khai thác kinh doanh tổng lực với các nhà bán lẻ khác. Song những mắt xích liên kết của hệ thống này vẫn chưa có được tiếng nói chung sau nhiều năm tìm đến nhau.

Lúc này, câu chuyện về việc tìm đối tác để bắt tay bành trướng theo chiến lược khác nhau lại được đưa ra trong bối cảnh, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước hoạt động manh mún, còn hàng loạt nhà đầu tư ngoại đã và đang tiếp tục hành trình thâm nhập và chinh phục thị trường Việt Nam.

Việc chọn đối tác mạnh đến từ nước ngoài được coi là màn “đấu pháp” khả thi. Song mỗi doanh nghiệp phải chọn cho mình một chiến lược với những giải pháp  phù hợp, căn cứ vào mục tiêu, tôn chỉ riêng. Và sẽ có lúc các nhà bán lẻ Việt Nam đi mua lại thương hiệu của nước ngoài, góp phần giữ vững thị phần của các ngành hàng sản xuất trong nước trên các kênh bán lẻ hiện đại.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần có những ông lớn đủ mạnh để làm đối trọng thông qua sự liên kết chặt chẽ, đầu tư nghiêm túc, bài bản.

Tin liên quan
Tin khác