Tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo số liệu Hải quan Việt Nam, tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 93,06 tỷ USD tăng 17%; kim ngạch nhập khẩu đạt 84,98 tỷ USD tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Riêng đối với khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ, trong quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 55,6 tỷ USD tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 44,9 tỷ USD tăng 21,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 10,7 tỷ USD tăng 15,7%. Thặng dư thương mại của Khu vực châu Âu - châu Mỹ đạt 34,2 tỷ USD.
Việt Nam hiện đã trở thành 1 mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, Việt Nam hiện đã trở thành 1 mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện Việt Nam ngày càng có nhiều nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh sạch của thế giới, thu hút được các chuỗi siêu thị đa ngành hàng, đơn ngành hàng, chuỗi cung ứng cho các khách hàng chuyên biệt Á và Âu…
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu chia sẻ: “Chỉ tính riêng thị trường Bắc Âu, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nội thất, hàng gia dụng như FH (Đan Mạch), IKEA (Thụy Điển), hay các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thực phẩm Á châu như Scanesia (Na Uy), East Asia (Thụy Điển)… ít nhiều có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường Việt Nam nói chung và hàng xuất khẩu của Việt Nam nói riêng. Hiện nhiều mặt hàng mới được đưa vào thị trường này từ bánh mì Việt Nam đông lạnh, đến đu đủ xanh nạo sợi…”
Các tập đoàn lớn có chiến lược mở rộng
Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới đa dạng mặt hàng, chủng loại và cạnh tranh về giá cả, chất lượng ngày càng được cải thiện.
Do đó, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Các tập đoàn lớn đang lên kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam. |
Theo ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu, nhập khẩu hàng Việt Nam qua hệ thống của Aeon đã tăng gấp đôi so với thời gian trước. Kết quả này là nỗ lực của doanh nghiệp cũng như sự kết nối tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan chức năng.
Năm qua, Aeon đã kết nối được với nhiều đối tác mới và đã xuất khẩu được chuối tươi sang nhiều thị trường châu Á. Nhân hoạt động kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024 - Viet Nam International Sourcing 2024 năm nay, Aeon dự định sẽ mời thêm các nhà thu mua từ Thái Lan, Campuchia tới sự kiện để kết nối thu mua... Mục tiêu của Aeon đến năm 2025 sẽ xuất khẩu một tỷ USD hàng hóa Việt Nam qua hệ thống Aeon.
Ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Vietnam, Tập đoàn Lulu thông tin, với thị trường Việt Nam, doanh nghiệp đã tiến hành tìm hiểu để có những nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Đông.
“Định hướng của chúng tôi sẽ phát triển một số trung tâm logistics tại Việt Nam, cụ thể là ở TP.HCM và một số tỉnh thành lân cận để thu mua chuối và cà phê. Chúng tôi đang bắt đầu một số quy trình và đã huy động được một số nhà thu mua trong tập đoàn như Kuwait, Qatar để tham gia Viet nam International Sourcing 2024 năm nay”, ông Mirash Basheer chia sẻ.
Về phía Walmart, theo ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng Phụ trách phát triển nhà cung ứng mới cho biết, hiện tại trong 500 doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp hàng cho Walmart chủ yếu là các doanh nghiệp nghiệp FDI, doanh nghiệp chủ người Việt chiếm tỷ trọng chưa cao chủ yếu chỉ là nhà cung cấp thứ cấp.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu mở rộng và đa dạng nguồn cung tại Việt Nam, thời gian tới tập đoàn này sẽ mở rộng tuyển dụng nhân viên tại Việt Nam.