Liên tục giảm lãi, ngân hàng tiếp sức kịp thời cho nông dân, doanh nghiệp
Ông Trần Phước Hưng, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phước Hưng ở tại Ấp Thới Thuận A, Thị Trấn Thới Lai, Huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ cho hay, từ đầu năm đến nay, công ty Phước Hưng đã được Agribank giảm 3%/năm lãi suất với khoản vay 37 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được ngân hàng hỗ trợ thủ tục hỗ trợ lãi suất 2% rất nhanh chóng khiến chi phí vay rẻ hơn rất nhiều so với cuối năm ngoái, đầu năm nay.
“Hiện chi phí tài chính chiếm khoảng 20-30% trong chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên ngân hàng liên tục giảm lãi vay đã giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng chi phí đầu vào, tận dụng được cơ hội thị trường”, ông Hưng cho biết.
Giá gạo xuất khẩu năm nay tăng mạnh, thị trường thuận lợi, chi phí vốn rẻ hơn khiến Phước Hưng dự báo một năm doanh thu tăng trưởng khả quan.
Agribank cho doanh nghiệp lúa gạo vay với lãi suất ưu đãi |
Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho hay, trong 8 tháng đầu năm, Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3-2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2-3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3-4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản... Ngân hàng cũng triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất cho vay thông thường.
Ngoài ra, Agribank đã 2 lần giảm lãi suất trực tiếp đối với dư nợ cho vay trung hạn hiện hữu khoảng 425 nghìn tỷ đồng với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 640 tỷ đồng, dự kiến cuối năm tổng số tiền lãi giảm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, ngân hàng cũng tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính Phủ. Doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất năm 2023 là 12.500 tỷ dồng, đến 31/8/2023, tổng số lãi suất hỗ trợ của chương trình đạt 71 tỷ đồng.
Mặc dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu khiến tín dụng của Agribank còn tăng chậm (đến 31/8/2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm) song tín dụng với nhiều ngành nông nghiệp của Agribank lại tăng mạnh. Đây cũng là lĩnh vực chủ lực của Agribank. Riêng tín dụng ngành lúa gạo và thủy sản tại Agribank tại ĐBSCL có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tính tới cuối tháng 8/2023, tín dụng lúa gạo của Agribank tại khu vực ĐBSCL tăng 9,7% và tín dụng thủy sản tăng 7,1%. Dư nợ của Agribank chiếm thị phần lớn nhất trong khu vực.
Trong các chương trình tín dụng ưu đãi, Agribank triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô 3.000 tỷ đồng, lãi suất cho thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với lãi xuất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Đến nay, doanh số giải ngân đối với lĩnh vực thủy sản của Agribank đã đạt hơn 900 tỷ đồng của 693 khách hàng.
Ngoài hỗ trợ lãi suất, Agribank cũng là một trong các ngân hàng tích cực nhất trong cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55 và Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Tính đến 31/8/2023, tổng dư nợ cơ cấu (gốc và lãi) theo Thông tư 02 là 30.237 tỷ đồng (gốc 28.005 tỷ đồng, lãi 2.232 tỷ đồng) với 3.502 khách hàng.
Tiếp tục đẩy vốn rẻ ra nền kinh tế
Tại Agribank, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong các năm qua luôn ở mức khoảng 65-70% tổng dư nợ cho vay. Vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Agribank nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế |
Để đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ khách hàng các tháng cuối năm, bà Phùng Thị Bình cho hay, Agribank cam kết tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính Phủ, NHNN; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Tuy vậy, theo bà Bình, để có thể làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực của Agribank cũng như hệ thống ngân hàng, còn cần thêm nhiều giải pháp khác.
Cụ thể, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành địa phương nhằmgóp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu; đẩy mạnh việc cấp các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư như hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường... Đồng thời, tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý.
Về phía các doanh nghiệp, cũng cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền, minh bạchtình hình tài chính, chủ động tiếp cận đề xuất để ngân hàng có cơ sở thẩm đinh, quyết định cho vay.
Với vai trò là một NHTM dẫn đầu trong cho vay nông nghiệp, nông thôn, giữ vai trò chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, Agribank đang tiếp tục kết nối cùng các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đưa dòng vốn rẻ chảy vào nền kinh tế.
Mới đây, Agribank cùng Vietcombank, BIDV, VietinBank tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động, đây là cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay thời gian tới. Các chuyên gia phân tích VNDirect kỳ vọng, mặt bằng lãi suất giảm thêm sẽ giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới. Tuy nhiên, lãi suất hiện nay không còn là vấn đề. Nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu trước bối cảnh thị trường khó khăn. Vì khi kinh tế khó khăn, thị trường thu hẹp, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, doanh nghiệp không mở rộng sản xuất mà chỉ duy trì hoạt động cầm chừng. Cho nên dù mặt bằng lãi suất có giảm mạnh tín dụng cũng khó có thể tăng đột biến.
Trong bối cảnh lãi suất không phải là vấn đề cốt lõi, các chuyên gia cho rằng, cần phải triển khai đồng bộ các chính sách và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp. Cụ thể, các bộ, ngành địa phương cần có giải pháp tổng thể, trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tăng cầu nội địa về hàng hoá, tiếp tục thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Về phía NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, tỷ giá, an toàn hệ thống, tạo môi trường ổn định cho hoạt động của nền kinh tế.