Được chấp thuận tăng vốn giúp Agribank có thêm dư địa bơm vốn cho nền kinh tế |
Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, GDP 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng thấp nhất nhiều năm qua. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái (6 tháng đầu năm 2022 khu vực nông lâm thủy sản tăng 2,78% đóng góp 5% vào mức tăng trưởng chung) thì đóng góp của nông nghiệp với nền kinh tế gia tăng, chứng tỏ nông nghiệp vẫn vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong các thời điểm khó khăn, khủng hoảng.
Chính vì vậy, đảm bảo dòng vốn không bị đứt đoạn với nông nghiệp - bệ đỡ của nền kinh tế rất quan trọng. Trong số các ngân hàng thương mại hiện nay, Agribank đang là ngân hàng chủ lực cho vay tam nông. Năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của Agribank đạt hơn 1,44 triệu tỷ đồng, tăng 9,8%. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt hơn 917 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 65% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này và chiếm gần một nửa thị phần cho vay nông nghiệp toàn hệ thống.
Nửa đầu năm nay, dòng vốn từ Agribank vẫn bền bỉ tiếp sức cho tam nông vươn lên. Ông Đỗ Hai, Giám đốc Công ty TNHH Hải Phương (Phúc Thọ, Hà Nội) cho hay, suốt 16 năm thành lập và phát triển, sản xuất gia công cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, công ty ông nhiều lần vượt qua khó khăn nhờ Agribank cung ứng vốn, hỗ trợ giảm lai suất cho vay
“Không chỉ riêng công ty chúng tôi mà tất cả nông dân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nông thôn đều rất mong Agribank ngày càng lớn mạnh, mở rộng quy mô tín dụng hơn nữa, giúp ngày càng nhiều khách hàng được tiếp cận nguồn vốn vay chính thống cùng lãi suất ưu đãi, có cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh và làm giàu trên mảnh đất quê hương”, ông Hải kỳ vọng.
Nếu không được Quốc hội tăng vốn, năm nay Agribank chỉ có thể tăng trưởng tín dụng 3,5%, đồng nghĩa tín dụng bơm ra nền kinh tế bị “hụt” hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc được Quốc hội chấp thuận tăng vốn thêm 17.100 tỷ đồng (cấp năm nay và năm 2024) giúp ngân hàng có thêm dư địa cấp thêm tín dụng cho toàn nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tam nông nói riêng.
Theo phản ánh của các chi nhánh Agribank, nhu cầu vay vốn tại các địa bàn nông nghiệp vẫn rất tốt như Tây Nguyên, Thái Bình, Tây Nam Bộ… Trong khi đó, nhu cầu tín dụng tại những địa bàn tập trung khu công nghiệp như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… lại có dấu hiệu giảm. Điều này cho thấy, nhu cầu vốn của lĩnh vực nông nghiệp vẫn rất lớn. Nếu được cung ứng vốn đầy đủ, nông nghiệp sẽ càng phát huy được vai trò trụ đỡ trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều biến động phức tạp, Agribank đã khẳng định được uy tín cũng như vai trò dẫn đầu của mình, luôn tiên phong trong hỗ trợ các ngân hàng khác cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Từ đầu năm đến nay, trên cơ sở tiết giảm chi phí và giảm lãi suất huy động đầu vào, Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD; tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng; triển khai Chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15.000 tỷ đồng…
Những giải pháp này được các chuyên gia đánh giá là “đòn bẩy” tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Với vai trò là một trong những ngân hàng thương mại chủ lực của Nhà nước, Agribank đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong việc thực thi chính sách tiền tệ, đầu tư có hiệu quả cho nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.