Năm 2019 được Agribank xem là năm bản lề để chuẩn bị cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. |
Lợi nhuận và nộp thuế liên tục tăng mạnh
Bảng xếp hạng V1000 năm 2018 tiếp tục là sự ghi nhận của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp, trong đó có sự đóng góp của Agribank vào ngân sách quốc gia. Kết quả này cũng khẳng định Agribank thuộc top các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam trong năm 2018. Như vậy, qua 3 năm Tổng cục Thuế thực hiện công khai V1000 (2016-2018), Agribank thuộc 555 doanh nghiệp có 3 năm liên tiếp lọt danh sách này.
Nộp ngân sách nhà nước của Agribank tăng dần qua các năm. Theo Báo cáo tài chính năm 2018 của Agribank, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Agribank nộp vào ngân sách nhà nước đạt 1.575,9 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Agribank đạt 7.552 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Agribank đạt lợi nhuận trước thuế 9.700 tỷ đồng (mục tiêu cả năm là 11.000 tỷ đồng). Nhờ đà tăng trưởng của cả doanh thu và lợi nhuận, sự đóng góp của Agribank với ngân sách nhà nước dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2019, phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trước thềm cổ phần hóa.
Đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Agribank đạt 1.398.110 tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 1.285.356 tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1.120.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm trên 70% tổng dư nợ và nguồn vốn chiếm trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Khẳng định vị thế
Mới đây, Agribank được xếp hạng thứ 142/500 ngân hàng lớn nhất châu Á về quy mô tài sản (theo The ASEAN Banker). Như vậy, mục tiêu trở thành một trong 150 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất khu vực châu Á vào cuối năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao đã được Agribank thực hiện xong sớm trước thời hạn.
Agribank đang tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược Kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030, thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn II gắn với nhiệm vụ đẩy nhanh tiến trình thực hiện cổ phần hóa Agribank theo chỉ đạo của Chính phủ.
Dựa vào kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2019, có thể chắc chắn, đích lợi nhuận đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong năm 2019 của Agribank nằm trong tầm tay. Đây là nền tảng quan trọng để Agribank thực hiện thành công phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 tiến tới cổ phần hóa.
Khó khăn lớn nhất của Agribank hiện nay là vấn đề tăng vốn. Do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ trong khi ngân sách còn hạn chế, lâu nay, việc tăng vốn cho Agribank rất nhỏ giọt. Mặc dù Agribank đã tích cực điều chỉnh cơ cấu tài sản, tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận để bổ sung vốn tự có, nhưng tỷ lệ an toàn vốn tiếp tục giảm dần và tiệm cận mức tối thiểu theo quy định. Thời gian qua, Agribank đã tích cực phát hành trái phiếu cấp 2 để tăng vốn.
Tuy nhiên, về lâu dài, để chủ động tăng vốn, giải pháp duy nhất là đẩy nhanh cổ phần hóa. Với tiềm lực tài chính hiện tại, Agribank đã tự tin và sẵn sàng cho cổ phần hóa. Năm 2019 cũng được Agribank xem là năm bản lề để chuẩn bị cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Khi được chuyển sang mô hình cổ phần hóa, tình hình kinh doanh được cải thiện, Agribank sẽ càng thực hiện tốt hơn sứ mệnh vì sự nghiệp phát triển “Tam nông” và có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa đối với nền kinh tế đất nước.