Lợi nhuận của Agribank năm 2020 giảm nhẹ do một số yếu tố. |
Lợi nhuận giảm vì mạnh tay giảm lãi vay
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 vừa công bố của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho thấy, năm 2020, hoạt động kinh doanh chính của Agribank vẫn mang lại hiệu quả tốt, như tín dụng tăng 7,8%; thu nhập lãi thuần đạt 43.660 tỷ đồng, cao nhất hệ thống. Lãi thuần từ dịch vụ đạt gần 5.200 tỷ đồng, tăng 13% so với 2019. Mảng kinh doanh vàng và ngoại hối giảm so với năm trước, nhưng vẫn mang về 940 tỷ đồng... Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 13.203 tỷ đồng, giảm 5,5% so với năm trước.
Nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy, lý do chính khiến lợi nhuận trước thuế của Agribank sụt giảm là do tốc độ tăng lãi thuần của Agribank chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng chi phí trả lãi. Nguyên nhân là, năm 2020, Agribank đã 7 lần giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, trong khi lãi suất tiết kiệm không giảm tương ứng, khiến thu nhập từ lãi chỉ tăng 5,6%, trong khi chi phí trả lãi tăng 7,5%.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phùng Văn Hưng Quang, Kế toán trưởng Agribank cho biết, lợi nhuận của Ngân hàng năm 2020 giảm nhẹ do một số yếu tố.
Thứ nhất, do chính sách giảm lãi vay, nên tốc độ tăng trưởng thu nhập từ lãi giảm khá mạnh (chỉ tăng chưa đầy 6%, trong khi các năm trước tăng 13-14%, có năm tăng 16%).
Thứ hai, năm 2020, Agribank đã mạnh tay cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, dẫn đến trên 1.600 tỷ đồng lãi phải thu của các khoản nợ được cơ cấu không được tính vào thu nhập (quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN). Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng khiến Ngân hàng giảm hơn 1.100 tỷ đồng lãi vay.
Thứ ba, năm 2020, Agribank tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Tại thời điểm 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu của Agribank nhích nhẹ lên 1,78%, song tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã lên tới 120%, thay vì 101% tại thời điểm cuối năm 2019.
Việc hoạt động ở địa bàn nông thôn - nơi có mật độ dân cư thưa thớt, quy mô các khoản huy động và cho vay nhỏ lẻ - khiến chi phí hoạt động của Agribank cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác. Ngoài ra, Agribank cũng phải đảm trách nhiệm vụ lưu thông lượng tiền mặt lớn, đồng nghĩa rất tốn kém chi phí. Ngân hàng cũng đang thực hiện 7 chương trình tín dụng chính sách, cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên với lãi suất ưu đãi.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, Ngân hàng phải ứng trước nguồn lực để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất theo chính sách của Chính phủ, trong khi việc cấp bù từ ngân sách lại chưa kịp thời. Đến cuối năm 2020, số tiền lãi Agribank đã hỗ trợ khách hàng, nhưng chưa được Nhà nước cấp bù lên tới trên 3.000 tỷ đồng.
“Ăn dè” tăng trưởng vì khó tăng vốn điều lệ
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, trong 4 tháng đầu năm nay, tín dụng của Agribank tăng 1% (cùng kỳ năm 2020, tín dụng giảm), huy động vốn tăng 1,7%. Năm nay, Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hơn 13.640 tỷ đồng.
Dư địa tăng trưởng của Agribank vẫn rất lớn khi nhu cầu tín dụng ở khu vực nông thôn tăng mạnh. Ngoài ra, mảng thanh toán ở nông thôn cũng là mảnh đất rộng lớn mà ngân hàng này đang khai phá. Việc triển khai chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước mà Ngân hàng áp dụng từ tháng 5 vừa qua được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.
Khó khăn lớn nhất của Agribank hiện nay vẫn là tình trạng kẹt vốn. Mặc dù đầu năm nay, Agribank đã được ngân sách cấp 3.500 tỷ đồng để tăng vốn từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách, song cũng mới đạt trên 34.000 tỷ đồng, quá nhỏ so với tổng tài sản trên 1.570.000 tỷ đồng. Mặt khác, vốn điều lệ tăng nhỏ giọt, quá chậm với tốc độ tăng tín dụng và tổng tài sản, khiến hệ số an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng liên tục sụt giảm. Hiện tại, hệ số CAR của Agribank vẫn đạt trên 9%, song không bền vững do phụ thuộc vào phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.
Một khó khăn nữa là theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, mức vay tín chấp của cá nhân và hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại… là 50 triệu đồng. Vay trên 50 triệu đồng, cá nhân, hộ gia đình phải có tài sản thế chấp và Ngân hàng chỉ cần áp dụng hệ số rủi ro là 50%. Tuy nhiên, theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP, mức vay tín chấp được nâng lên 200 triệu đồng, đồng nghĩa phải áp dụng hệ số rủi ro 100%.
“Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hệ số an toàn vốn, khiến Agribank thường xuyên phải ‘ăn dè’ các chỉ tiêu tăng trưởng”, bà Phượng cho biết.
Agribank đang rất sốt ruột mong được sớm cổ phần hóa để giải bài toán vốn và tăng trưởng. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa của Ngân hàng vẫn gặp vướng mắc về đất đai, chưa được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sử dụng nhà, đất. Lãnh đạo Agribank kỳ vọng, cuối năm nay, phương án này sẽ được thông qua, đồng thời Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Quyết định cổ phần hóa Agribank.
Dẫu vậy, ngay cả khi có quyết định cổ phần hóa cuối năm nay, thì sớm nhất là năm 2024, Agribank mới có thể chuyển được sang mô hình ngân hàng cổ phần. Trước mắt, việc tăng vốn của Agribank vẫn dựa vào ngân sách nhà nước cấp và phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.
Để giải tỏa khó khăn về vốn, Agribank đang mong ngóng Bộ Tài chính sớm cấp bù hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất mà ngân hàng này đã tạm ứng để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách nhằm có thêm vốn hoạt động.