Đầu tư
Ai kìm hãm tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh?
Bảo Duy - 02/08/2015 08:43
Bốn tháng sau khi Nghị quyết 19/2015/NQ-CP (Nghị quyết 19) của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được triển khai, các địa phương gần như chưa vào cuộc bởi chưa đưa ra được những kế hoạch hành động cụ thể.

Điều này đồng nghĩa, việc chỉ đạo sát sao, bám sát từng chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ theo từng tháng, từng quý, nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, giảm rủi ro trong kinh doanh của một số bộ, ngành trong thời gian qua sẽ chưa sớm đến được với doanh nghiệp, người dân.

Đúng như ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ, sự cố gắng hay quyết tâm một vài người, một vài bộ, ngành sẽ không thể cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường kinh doanh Việt Nam.       


 

Phải nói rõ, tinh thần của Nghị quyết 19 thực sự rất khác biệt so với nhiều nghị quyết khác của Chính phủ. Cũng như Nghị quyết 19/2014/NQ-CP có cùng nội dung, đây là lần đầu tiên, Chính phủ quyết định lấy phương pháp đánh giá độc lập từ bên ngoài làm căn cứ đo lường và định vị năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam. Việc so sánh sẽ không chỉ dừng lại giữa “ta với ta” như lâu nay, mà quan trọng hơn là so sánh “chúng ta” với khu vực và quốc tế, trước mắt với ASEAN 6 để xác định vị trí của mình trong mối tương quan chung.

Tất nhiên, đi kèm với đó là những giải pháp, hành động cụ thể. 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương đã được Nghị quyết 19 vạch rõ. Điểm khác là việc thực thi các nhiệm vụ, giải pháp này đòi hỏi tư duy và cách ứng xử của từng công chức phải thay đổi theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế tương ứng. Nhất là có nhiều giải pháp là cắt bỏ, thay đổi thể chế, tạo động lực mới để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.

Rất tiếc, đòi hỏi này vẫn vắng bóng các kế hoạch hành động đã được ban hành của đa phần bộ, ngành và địa phương. Số bộ hiểu đúng phương pháp và ý nghĩa của các chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 đề ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết các địa phương chưa nắm được phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết nên việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động chưa bám sát yêu cầu.

Đặc biệt, yêu cầu rất quan trọng - là thời gian hoàn thành các mục tiêu - gần như không thấy các địa phương đặt ra cho dù đây là một trong những chỉ tiêu có tính cốt lõi của Nghị quyết 19 nhằm tăng gia tốc cải cách của môi trường kinh doanh Việt Nam. Như vậy, mong muốn thay đổi, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chưa đến được tới từng công chức có liên quan ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Khi mong muốn chưa có, thì việc thay đổi động lực để thực thi đúng, đầy đủ các yêu cầu của Nghị quyết 19 chưa thể xuất phát từ nhu cầu nội tại của từng vị trí công việc.

Có lẽ phải nhắc lại một ý trong bài viết mới đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về 30 năm đổi mới trong phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới để có cái nhìn tổng thể về vai trò và trách nhiệm của từng vị trí công chức trong nền hành chính quốc gia. Đó là: “Mặc dù cải cách hành chính và môi trường kinh doanh được quan tâm, đạt một số kết quả nhưng vẫn chưa bắt kịp được các nước trong khu vực. Sự thiếu gắn kết giữa cải cách toàn diện môi trường kinh doanh với cải cách tư pháp đang cản trở việc hình thành niềm tin dài hạn cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ công chức, viên chức đông nhưng không mạnh, một bộ phận phẩm chất, năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân. Tình trạng tham nhũng, lãng phí và trục lợi ở những thay đổi của chính sách, lợi ích nhóm đang trở thành nguy cơ ngày một lớn có thể kìm hãm, thậm chí đẩy lùi quá trình đổi mới đất nước”.

Môi trường kinh doanh Việt Nam có thăng hạng hay không trong con mắt của giới đầu tư – kinh doanh thế giới đang phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân của từng công chức nhà nước.

Tin liên quan
Tin khác