Mức giá nào là phù hợp cho các nhóm cổ đông ở Eximbank?. |
Tuần trước, một cách lặng lẽ, đại diện các nhóm nhà đầu tư nội quan tâm đến cổ phần EIB của SMBC, đã liên tục có những cuộc tiếp xúc, đánh tiếng về giá cả chuyển nhượng. Có những đối tác trước giờ “ẩn mình” thì nay công khai thể hiện khả năng tài chính cũng như khả năng lobby để có thể trở thành “ông chủ” thật sự của Eximbank.
Ngay cả số cổ phần 4,97% của Quỹ VOF do VinaCapital quản lý cũng được hỏi mua và giá chào mua hiện đã ngang bằng với giá chuyển nhượng 15% cổ phần EIB của SMBC. Eximbank là khoản đầu tư lâu nhất còn lại trong danh mục của VOF. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi room nước ngoài của Eximbank càng lớn, cơ hội của ngân hàng càng rộng mở. Các nhóm nhà đầu tư muốn nhận chuyển nhượng toàn bộ 30% room ngoại tại Eximbank, nên họ tăng cường tiếp cận với các cổ đông nước ngoài.
Nguồn tin đáng tin cậy trong giới đầu tư ngoại tại TP.HCM cho biết giá chào mua khoản đầu tư của VOF giờ đây đã tăng 10% so với trước và nhiều khả năng VOF sẽ đồng ý chuyển nhượng. Trong khi đó, SMBC vẫn chưa gật đầu với nhóm nhà đầu tư nào. Có thể họ đang kỳ vọng một mức giá thích đáng hơn hoặc tín hiệu “bật đèn xanh” của cơ quan quản lý vì mọi giao dịch dẫn đến thay đổi cơ cấu cổ đông lớn của các ngân hàng đều phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận.
Ba nhóm “ông chủ” tiềm năng
Những ai thường tham gia các cuộc M&A ngân hàng nói chung, Eximbank nói riêng? Trong bối cảnh hiện nay, trước hết đó là những doanh nghiệp bất động sản. Khi dư nợ tín dụng bất động sản đã cao và các ngân hàng chủ trương giảm bớt rủi ro cho vay lĩnh vực này, đồng thời quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được siết chặt, các tập đoàn bất động sản đều cần có ngân hàng ở phía sau hỗ trợ tài chính, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí cả phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho cá nhân, tổ chức (bán trái phiếu doanh nghiệp như cách thức bán bảo hiểm mà một số ngân hàng đang áp dụng). Trong trường hợp M&A Eximbank, một tập đoàn bất động sản tầm cỡ ở phía Nam, niêm yết trên HoSE, thuộc nhóm nhà đầu tư này.
Đối tượng thứ hai là những nhóm nhà đầu tư đang kinh doanh ngân hàng, có kinh nghiệm, nguồn lực tài chính và cả các quan hệ xã hội rộng rãi. Họ nhìn thấy ở Eximbank nền tảng cơ bản như tình hình tài chính lành mạnh, có thể tái cấu trúc nhân sự nhanh chóng và sau đó giá trị ngân hàng sẽ khác. Họ là những “nhà buôn ngân hàng” lão luyện theo ngôn từ của giới tài chính quốc tế. Ở đây người viết đề cập đến một nhóm nhà đầu tư có liên quan đến một ngân hàng trong rổ VN30.
Đối tượng thứ ba là một số nhóm nhà đầu tư kinh doanh thành công trong các lĩnh vực khác, có ý định phát triển doanh nghiệp thành hệ sinh thái với các mảng bất động sản, tài chính - ngân hàng. Cả ba nhóm đối tượng trên đều nhìn thấy trong thời buổi tiền rẻ tràn ngập thế giới do ngân hàng trung ương các nước in thêm tiền chi tiêu, ngân hàng là một trong những chủ thể được hưởng lợi.
Họ chính là ba nhóm nhà đầu tư khác nhau đang cạnh tranh để nhận chuyển nhượng cổ phần chi phối ở Eximbank.
“Cảo thơm lần giở trước đèn”
Sau khi thâu tóm xong Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào STB, nhóm nhà đầu tư có liên quan đến ông Trầm Bê cần đảo nợ các khoản vay đã sử dụng để mua cổ phiếu STB trước đó mà chưa trả được. Nhóm này, trước đó, đã mua một tỷ lệ tương đối lớn cổ phiếu Eximbank. Năm 2015, cơ quan quản lý yêu cầu xử lý sở hữu chéo Sacombank - Eximbank, nhóm ông Trầm Bê phải bán ra cổ phiếu EIB.
Nhóm nhà đầu tư có liên quan đến Ngân hàng TMCP Nam Á đã thế chấp các tài sản là đất đai, vay một phần tiền và mua 15% cổ phần EIB từ nhóm ông Trầm Bê. Ban đầu nhóm Nam Á chỉ có ý định đầu tư tài chính vì họ nhận được cam kết sẽ có nhóm nhà đầu tư mua lại toàn bộ cổ phần EIB với giá cao hơn giá họ đầu tư cộng thêm lãi hàng năm.
Tuy nhiên, thời gian sau đó, cam kết mua lại cộng lãi hàng năm không được thực hiện, nhóm Nam Á trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Dần dần họ mua thêm cổ phần EIB và đề cử người tham gia hội đồng quản trị Eximbank. Động thái của họ không được cơ quan quản lý chấp nhận vì nguồn gốc tiền mua cổ phần EIB phần lớn được cho là vay mượn một số ngân hàng, được cho là không tuân thủ quy định Thông tư 36 về sở hữu chéo.
Ở một khía cạnh khác, năm 2013 - 2014, nhóm nhà đầu tư liên quan đến bà Ngô Thu Thuý đã mua 10% cổ phần EIB từ Ngân hàng ACB và mua thêm 5% nữa rải rác các năm sau. Đến nay nhóm này sở hữu chừng 15% cổ phần Eximbank.
Sau đó ít lâu, nhóm nhà đầu tư liên quan đến một doanh nhân phía Bắc đã mua lại 5% cổ phần EIB từ một công ty con của Ngân hàng HDBank. Sở dĩ HDBank có cổ phần EIB vì HDBank nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP nông thôn Đại Á, mà Đại Á đã sở hữu cổ phần EIB từ lâu trước đó. Tiếp theo nhóm nhà đầu tư doanh nhân phía Bắc mua thêm cổ phần EIB đang được thế chấp tại Sacombank từ nhóm nhà đầu tư ông Trầm Bê (cũng nhằm giải quyết sở hữu chéo STB-EIB). Hiện tại, theo quan sát của giới tài chính, nhóm doanh nhân phía Bắc sở hữu đâu đó 15 - 17% cổ phần Eximbank.
Về cơ bản, các nhóm nhà đầu tư nội riêng rẽ ở EIB không hội tụ đủ tỷ lệ cổ phần cần thiết để nắm quyền kiểm soát ngân hàng. Rất nhiều thời điểm, SMBC được trông đợi như người dẫn dắt Eximbank. Năm 2017 – 2018, đích thân Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của SMBC đã hai lần gặp gỡ người đứng đầu NHNN và cam kết hỗ trợ tối đa cho Eximbank.
Thế nhưng, SMBC “lực bất tòng tâm” vì việc sở hữu 15% cổ phần EIB không tạo điều kiện có tiếng nói quyết định ở ngân hàng. Sự tranh chấp giữa các nhóm cổ đông nội bộ ngày một “leo thang”, hậu quả là Eximbank kinh doanh ngày một giảm sút. Ngân hàng chỉ tập trung xử lý nợ xấu, không phát triển tín dụng. Ngày hôm nay, chất lượng tài sản của Eximbank thuộc loại tốt nhất hệ thống, chỉ xếp sau Vietcombank, ACB. Eximbank cũng đã tất toán sạch nợ xấu ở VAMC (Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam). Nhưng bộ máy nhân sự rệu rã, các thế mạnh về kinh doanh ngoại hối, ngân quỹ, vàng bạc, thẻ tín dụng… suy giảm.
Ai sẽ tiếp quản Eximbank?
Nhóm nhà đầu tư liên quan đến ngân hàng Nam Á, sau những mâu thuẫn trong gia đình ông Nguyễn Chấn vốn làm tốn bao giấy mực của giới báo chí, đã chuyển nhượng cổ phần EIB cho các nhóm nhà đầu tư khác nhau. Những nhóm nhà đầu tư F1 mới này đa phần đầu tư tài chính. Nhóm nhà đầu tư tập hợp quanh bà Ngô Thu Thuý cũng thuộc trường phái đầu tư tài chính. Các nhóm này sẽ chuyển nhượng cổ phần EIB nếu họ được chào mời mức giá phù hợp.
Mức giá nào là phù hợp cho các nhóm cổ đông ở Eximbank? Chúng tôi chưa thể dẫn ra đây những số liệu cụ thể, chi tiết cụ thể về các đợt chuyển nhượng cổ phần Eximbank suốt những năm 2010 - 2019 khi điều kiện chưa cho phép, nhưng sau thời gian đầu tư dài từ 5-7 năm đến cả chục năm, giá vốn đầu tư cổ phiếu EIB (cộng cả giá gốc và lãi vay) của các nhóm đều trên 30.000 đồng/cổ phiếu.
Bây giờ cổ phiếu ngân hàng đã bước vào “làn sóng thứ hai” (“làn sóng thứ nhất” diễn ra trong giai đoạn 2003 - 2008) và đã thiết lập một mặt bằng giá mới. Eximbank cũng không là ngoại lệ. Hiện giá chào mua cổ phiếu EIB giữa các nhóm nhà đầu tư cũ và mới, nội và ngoại đã vượt qua mốc 30.000 đồng khá xa và cao hơn nhiều thị giá EIB trên sàn.
Mua thâu tóm ngân hàng với tỷ lệ cổ phiếu đủ để trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối, tất nhiên không thể giống như mua khớp lệnh trên sàn. Thường các giao dịch sẽ tiến hành theo hình thức thoả thuận ngoài sàn, không theo biên độ quy định. Gương mặt cũ nào rút lui, gương mặt mới nào xuất hiện tại Eximbank, thời gian sẽ trả lời. Sau khúc mắc hằn sâu, vận hội đang mở ra với Eximbank.