Các khoản phải thu ngắn hạn của Vicem Đà Nẵng tại thời điểm 31/3/2019 là 71,8 tỷ đồng. |
7,1 tỷ đồng nợ khó đòi
Báo cáo tài chính quý I/2019 của Vicem Đà Nẵng cho thấy, các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty tại thời điểm 31/3/2019 là 71,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số gần 74,4 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Trong đó, phần lớn các khoản phải thu là các khoản phải thu của khách hàng.
Một trong những điểm đáng chú ý trong bảng cân đối kế toán là khoản dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi trị giá hơn 7,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,6% doanh thu thuần của Công ty trong quý I/2019.
Theo Vicem Đà Nẵng, trong Bảng cân đối kế toán quý I/2019 do doanh nghiệp này lập, thì dự phòng các khoản phải thu được trích lập theo các quy định tại Thông tư số 228/2009/TT-BTC và Thông tư 89/2013/BTC (sửa đổi, bổ sung Thông tư 228/2009/TT-BTC) của Bộ tài chính. Đây là các văn bản quy định về chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp. Theo đó, Công ty thực hiện lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi cho những khoản phải thu đã quá hạn thanh toán hoặc các khoản nợ phải thu chưa đến hạn, nhưng có thể không đòi được do khách nợ không có khả năng thanh toán.
Trong quý I/2019, lợi nhuận sau thuế âm hơn 1,7 tỷ đồng. Với tình hình tài chính như vậy, việc Công ty vẫn phải trích lập khoản dự phòng phải thu khó đòi tới hơn 7,1 tỷ đồng đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh chung của doanh nghiệp.
Nợ treo từ các kỳ trước
Quan sát tình hình công nợ của Vicem Đà Nẵng từ các kỳ trước, có thể thấy, các khoản phải thu khó đòi ghi nhận trên báo cáo tài chính quý I/2019 của Vicem đều là các khoản tồn dư từ các giai đoạn trước.
Năm 2019, Vicem Đà Nẵng đặt mục tiêu tổng doanh thu 428 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,38 tỷ đồng, chia cổ tức 2,5%.
Sản lượng mục tiêu năm 2019 đạt 225.000 tấn xi măng, 22,5 triệu vỏ bao xi măng và 45,5 triệu viên gạch tuynel.
Trong các khoản phải thu của khách hàng, 2 khách hàng có rủi ro lớn dẫn đến phát sinh là Công ty TNHH Mai Hương và Công ty TNHH Nghĩa Nhân. Trong đó, Công ty TNHH Mai Hương có khoản nợ gốc đối với Vicem Đà Nẵng là 3,5 tỷ đồng, giá trị phải trích lập dự phòng là 2,2 tỷ đồng. Với Công ty TNHH Nghĩa Nhân, khoản nợ là hơn 3,5 tỷ đồng và toàn bộ số tiền nợ đều phải trích lập dự phòng. Ngoài ra, Vincem Đà Nẵng còn có khoản trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đối với các khách hàng khác, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng.
Các khoản nợ khó đòi trên là những “cái gai” khá nhức nhối đối với Vicem Đà Nẵng, bởi nợ nần đã treo từ rất lâu. Theo đó, những khoản nợ này dù do tồn đọng từ quá khứ, nhưng vẫn thể hiện trên sổ sách kế toán trong những kỳ kế toán mới, khiến mỗi lần đọc báo cáo tài chính của các kỳ mới, các con số này vẫn nổi lên, làm “nhức mắt” những nhà đầu tư quan tâm đến Vicem Đà Nẵng.
Mặc dù tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, ông Trần Văn Khôi, Giám đốc Vicem Đà Nẵng cho biết, Công ty đang tập trung thu hồi nợ đọng và thậm chí có thể khởi kiện, nhưng đến nay, chưa thấy doanh nghiệp này có được các thông tin cụ thể nào về kết quả thu hồi nợ.
Trong tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn, một số khách hàng đang có công nợ với Vicem Đà Nẵng tuy chưa phải trích lập dự phòng, nhưng cũng thuộc nhóm đối tượng được các nhà đầu tư quan tâm. Đó là nhóm khách hàng là các bên liên quan, với tổng giá trị các khoản phải thu hơn 10,9 tỷ đồng.
Cụ thể, khoản nợ của Công ty Xi măng Vicem Hoàng Mai là hơn 3,2 tỷ đồng, Công ty Xi măng Vicem Bỉm Sơn gần 2,8 tỷ đồng, Chi nhánh Công ty Vicem Hà Tiên 1 gần 3,7 tỷ đồng, Công ty Xi măng Nghi Sơn gần 1,3 tỷ đồng. Các công ty này đều nằm trong hệ thống của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam. Lý do phát sinh công nợ là do các hoạt động mua bán hàng hóa giữa các đơn vị này với nhau.