Amazon Web Services (AWS) đã “thiết kế” ra những dịch vụ, công cụ kiểm soát, tính toán chi phí cho các khách hàng, đặc biệt là DN khởi nghiệp khi dùng dịch vụ đám mây, tối ưu hóa tăng trưởng kinh doanh.
Tối ưu hóa chi phí trên đám mây cho startups
Những vấn đề “đau đầu” mà mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp đều phải đối mặt liên quan đến bài toán về con người, chi phí ứng dụng CNTT (đám mây, phần mềm dạng dịch vụ), và marketing…đã và đang có “thuốc đặc trị” khi AWS, nhà cung cấp các giải pháp ứng dụng trên nền tảng đám mây hàng đầu thế giới, đã tung ra gói hỗ trợ để DN phần nào yên tâm khởi nghiệp.
Ông Digbijoy “Diggy” Shukla, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Startup, AWS khu vực ASEAN nhận định, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chi phí quản lý là vấn đề lớn nhất, nhưng “giải pháp” điện toán đám mây sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho mỗi DN.
Ông Digbijoy Shukla, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Startup AWS khu vực ASEAN. |
Điện toán đám mây giúp DN đảm bảo hiệu quả về mặt chi phí với mô hình trả tiền theo mức độ sử dụng của AWS, khách hàng không phải đầu tư mua sắm trang thiết bị, mà sẽ trả tiền theo mức độ sử dụng. Bên cạnh đó, mô hình này cho phép DN thử nghiệm và đánh giá được hiệu quả nhanh chóng, cũng như biết được ngay nếu thất bại và giảm thiểu được thiệt hại chi phí hoạt động và tài chính”.
Trên thực tế, những năm vừa qua nhiều công ty khởi nghiệp, đặc biệt trong công nghệ đã bắt đầu sử dụng điện toán đám mây ngay từ khi thành lập. Đây là điều rất khác biệt so với giai đoạn trước đây và các DN này chỉ trả tiền cho những giải pháp thực sự cần thiết, vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng độ linh hoạt.
AWS có nhiều dịch vụ để các công ty khởi nghiệp tối ưu hóa chi phí như AWS Cost Explorer, AWS Budgets, AWS Trusted Advisor, AWS Well Architected Review. Các dịch vụ cho thuê máy chủ - EC2, hay dịch vụ thuê ngoài của AWS đã và đang được nhiều khách hàng trên toàn cầu sử dụng.
Một ví dụ là HappyFresh, chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi sống hoạt động ở Indonesia, Malaysia và Thailand. Do dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu mua sắm thực phẩm tươi qua mạng tăng lên tới 10 lần trên web của HappyFresh. Doanh nghiệp này đã sử dụng AWS để mở rộng hạ tầng cộng nghệ thông tin nhằm đáp ứng sự tăng trưởng này và đảm bảo rằng khách hàng của họ có thể truy cập, mua sắm các thực phẩm tươi sống một cách liên tục, hoạt động của họ không bị gián đoạn hay gặp bất kỳ sự cố nào. Đội ngũ thiết kế hệ thống của AWS đã giúp cho HappyFresh tối ưu hóa hạ tầng, đáp ứng nhu cầu lưu lượng tăng tới 10 lần mà vẫn tối ưu hóa chi phí và đảm bảo được yêu cầu về dịch vụ.
Startup Việt hưởng lợi từ AWS Activate
8 năm trước, AWS đã xây dựng AWS Activate, là một trong nhiều chương trình của AWS dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chương trình này cung cấp cho các start-up cơ sở hạ tầng với chi phí thấp, dễ dàng sử dụng và có thể mở rộng khi đầu tư kinh doanh phát triển ở bất kỳ quy mô nào.
Thông qua chương trình dành cho các startup, AWS cung cấp các credits và hỗ trợ kỹ thuật để cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ AWS. Chương trình AWS Activate có mặt ở ASEAN, và tại Việt Nam, nhiều công ty khởi nghiệp đang được sự hỗ trợ từ chương trình này.
Kể từ khi bắt đầu năm 2013 đến nay, chương trình AWS Activate đã cung cấp được các khoản tín dụng sử dụng điện toán đám mây
lên tới 3,5 tỷ USD cho hơn 140,000 công ty startup trên phạm vi toàn cầu, riêng trong năm 2019 là 1tỷ USD. “Hàng chục ngàn công ty startup trên thế giới đã được hưởng lợi từ chương trình AWS Activate này và thông qua chương trình này, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể được kết nối với các quỹ đầu tư giúp tăng tốc khởi nghiệp”, ông Diggy Shukla khẳng định.
Tại Việt Nam, một studio cung cấp sản phẩm dịch vụ xử lý ảnh và video trực tuyến với ứng dụng được đánh giá hàng đầu trên cả Google Play và App Store đã sử dụng AWS để mở rộng hạ tầng. Theo đánh giá của DN này, hạ tầng của AWS dễ triển khai, dễ quản lý và sử dụng. Hơn nữa tốc độ triển khai được rút ngắn từ 4 ngày trước đây xuống chỉ còn vài giờ và chi phí bảo trì, bảo dưỡng cũng được giảm đi tới 50%, thời gian đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn 2-3 tuần.
Theo đại diện AWS, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam cũng gặp những vấn đề tương tự như doanh nghiệp tại Đông Nam Á, bao gồm rất nhiều quốc gia như Thái Lan, Philippines, Singapore, trong đó, chi phí về IT là một trong ba chi phí lớn nhất mà các doanh nghiệp khởi nghiệp phải đối mặt.
Và dù là khởi nghiệp nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng không yếu hơn so với các doanh nghiệp khởi nghiệp các quốc gia khác, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, thậm chí có rất nhiều doanh nghiệp có năng lực công nghệ rất mạnh và họ có khả năng ứng dụng những công nghệ hiệu quả.
Điều quan trọng với các DN Việt Nam là những chương trình của AWS mang tính toàn cầu như AWS Activate hoặc các công cụ về tối ưu hóa chi phí khác đều được áp dụng cho tất cả các startup trên phạm vi toàn cầu.
Ở Việt Nam, AWS cũng có những đội kỹ thuật về tối ưu hóa chi phí để giúp các công ty startup làm quen và sử dụng dịch vụ đám mây AWS. AWS cũng sẽ kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các đơn vị như Accelerators (chương trình tăng tốc khởi nghiệp), angel investors (nhà đầu tư thiên thần), Venture Capical (VC-Quỹ đầu tư mạo hiểm) để họ có thể tiếp cận cũng như sử dụng các tài nguyên AWS một cách tối ưu nhất cho nhu cầu công nghệ thông tin của mỗi doanh nghiệp.