Quốc tế
Ấn Độ không đóng cửa nhiệt điện than trước năm 2030 do nhu cầu điện tăng cao
Hoàng Minh - 27/02/2023 16:59
Cuối tháng 1/2023, Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các công ty điện trên cả nước không dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than cho đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện cho đất nước.

Theo báo chí nước ngoài, bất chấp nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo của Ấn Độ, Bộ Điện lực liên bang (MoP) Ấn Độ đã phát đi thông báo, yêu cầu các công ty sản xuất điện trên cả nước không dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than cho đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện cho đất nước.

Trước đó Cơ quan Điện lực Trung ương Ấn Độ (CEA) - đóng vai trò cố vấn cho Bộ đã gửi thông báo tới Bộ Điện lực liên bang nêu rõ, tất cả các công ty điện lực được khuyến cáo “không nên cho nghỉ hưu bất kỳ tổ máy nhiệt điện (phát điện) nào cho đến năm 2030 và đảm bảo các tổ máy luôn sẵn sàng hoạt động", sau khi thực hiện các hoạt động đổi mới, hiện đại hóa nếu có yêu cầu.”

CEA cũng cho hay, vai trò của các nhà máy nhiệt điện bao gồm các tổ máy nhiệt cũ trở nên rất quan trọng để hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo. Được biết vào tháng 5/2022, Ấn Độ đã thông báo về kế hoạch giảm sản lượng điện từ ít nhất 81 nhà máy đốt than trong 4 năm tới. Tuy nhiên, không thiết lập một mốc cụ thể để giảm dần việc đốt than.

Nhà máy nhiệt điện Wanakbori tại làng Wanakbori, cách thành phố Ahmedabad khoảng 120 km. Ảnh CAND

Ấn Độ cũng nước sử dụng, sản xuất và nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới và đang đối mặt với nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong vài tháng qua do thời tiết khắc nghiệt, việc sử dụng điện của các hộ gia đình ngày càng tăng do nhiều tổ chức cho phép nhân viên làm việc tại nhà và hoạt động công nghiệp tăng lên sau khi dịch bệnh liên quan đến Covid 19 được nới lỏng những hạn chế.
Sản lượng điện than đang chiếm khoảng 3/4 tổng sản lượng điện sản xuất hàng năm.

Đất nước này cũng đã đạt mốc mới về sản lượng điện là 210,6 GW vào ngày 18/1/2023, tức là tăng 1,7% so với mức đỉnh trước đã đạt được là 207,1 GW tại thời điểm nắng nóng dữ dội hồi tháng 4/2022.

Đợt nắng nóng này cũng là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất ở Ấn Độ trong 6,5 năm trở lại đây.

"Nhu cầu điện cao điểm đã tăng 5% trong năm nay. Nếu tăng thêm 3-4% nữa, Ấn Độ có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác", một quan chức cấp cao của một công ty điện lực ở một bang miền Nam Ấn Độ cho hay.

Nhu cầu điện trong nước đã tăng lên trong những tháng gần đây và để đối phó với thiếu điện, tháng 12/2022, chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân để thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (DET) Jitendra Singh, về nguyên tắc, Chính phủ đã phê duyệt 5 địa điểm mới để phát triển các nhà máy hạt nhân, CEA sẽ là cơ quan tư vấn cho DET trong các dự án này, và cho các công ty điện lực trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ông Ashish Fernandes, Giám đốc điều hành của Climate Risk Horizons cho biết, Ấn Độ đã không đạt được mục tiêu 175 GW năng lượng tái tạo vào năm 2022. Nếu điều này tiếp diễn, quốc gia này cũng sẽ bỏ lỡ mục tiêu 450 GW đầy thách thức vào năm 2030. 

Còn Sunil Dahiya, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch nhận xét, cho phép các nhà máy điện cũ vận hành thêm vài năm nữa cũng không sao nhưng phải đảm bảo hai điều.

Thứ nhất, tất cả các nhà máy điện cũ này phải tuân thủ các tiêu chuẩn tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm tại nguồn.

Thứ hai, không được phép xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới nào vì nhu cầu tăng trưởng trong tương lai có thể được đáp ứng bằng cách tăng hệ số tải điện của các trạm hiện có và tích hợp năng lượng tái tạo theo kế hoạch cho năm 2030.

Tin liên quan
Tin khác