Thời sự
An Giang ban hành kế hoạch đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch COVID-19
Trúc Giang - 07/10/2021 15:52
Kế hoạch được ban hành nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh COVID-19 đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.

Để nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế nhằm ổn định đời sống nhân dân; đảm bảo hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng chống, dịch COVID-19, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các doanh nghiệp trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, đối với doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động: Trước khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ các nội dung phòng, chống dịch, tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh và điều kiện thực tế của địa phương, các doanh nghiệp đăng ký phương án hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp theo quy định với cơ quan thẩm quyền để được tổ chức thẩm định phương án, đảm bảo hoạt động trở lại ổn định, an toàn và hiệu quả.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong tình hình giãn cách xã hội, có thể chọn một trong các mô hình thực hiện:

Tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Tổ chức sản xuất theo phương án kết hợp “3 tại chỗ” với tổ chức cho người lao động ở lưu trú tập trung ngoài doanh nghiệp.

Tổ chức hoạt động theo phương án “1 cung đường - 2 điểm đến” hoặc phương án “1 cung đường - 2 điểm đến” mở rộng (doanh nghiệp tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc).

Tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm: người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh (“người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh”, “nơi ở xanh” theo một “cung đường xanh” (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp).

Về quy mô, doanh nghiệp được phục hồi hoạt động sản xuất với quy mô tối đa không quá 30% (trừ những doanh nghiệp số lượng con người quá ít hoặc đặc thù của dây chuyền sản xuất phải nhiều hơn 30% mới hoạt động được). Sau 15 ngày kể từ ngày hoạt động trở lại, nếu doanh nghiệp đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 và không có trường hợp người lao động bị 3 F0 thì quy mô sản xuất được tăng lên theo yêu cầu của doanh nghiệp (có báo cáo xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền).

Đối với doanh nghiệp hoạt động sau giãn cách xã hội thực hiện theo Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 (tình hình dịch đã được kiểm soát nhưng vẫn còn nguy cơ): Về quy mô, tùy theo nhu cầu hoặc theo đơn hàng, hợp đồng đã ký với đối tác và nguồn lao động tiếp cận mà doanh nghiệp quyết định tổ chức sản xuất với quy mô phù hợp. Điều kiện sàng lọc là 100% người lao động phải được xét nghiệm đầu vào âm tính với SARS-CoV-2. Có kế hoạch sàng lọc tối thiểu 20% tổng số lao động của doanh nghiệp cho mỗi đợt sàng lọc. Về lưu trú và phương tiện di chuyển, người lao động được quyền lựa chọn phương tiện di chuyển và nơi lưu trú trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố nơi doanh nghiệp hoạt động.

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện bình thường mới: Điều kiện sàng lọc là 100% người lao động phải được xét nghiệm đầu vào âm tính với SARS-CoV-2. Có kế hoạch sàng lọc tối thiểu 20% tổng số lao động của doanh nghiệp cho mỗi đợt sàng lọc. Khuyến khích người lao động đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Các doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định mới sẽ đăng ký với các cơ quan chức năng để được cho phép hoạt động trở lại…

Tin liên quan
Tin khác