Du lịch
An Giang phấn đấu mỗi địa phương là một điểm đến
Trúc Giang - 14/12/2020 20:41
Tỉnh An Giang đang tiến hành rà soát, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch; khai thác du lịch địa phương và hình thành “mỗi địa phương là một điểm đến”.
Rừng tràm Trà Sư, một thắng cảnh của An Giang.

Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch

An Giang là tỉnh nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, nơi hội tụ giữa núi non kỳ vỹ với sông nước hữu tình, có hệ sinh thái môi trường đa dạng, với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng, cùng với những nét độc đáo trong đời sống văn hóa của cư dân... đã tạo nên sức hút lớn cho du khách trong và ngoài nước.

Địa phương này hấp dẫn du khách bởi sự đa dạng các loại hình du lịch như du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng. An Giang còn là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng được xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) và Khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn). Đặc biệt, Khu du lịch quốc gia Núi Sam, quần thể Núi Cấm, Khu bảo tồn và phát triển bền vững cảnh quan rừng tràm Trà Sư... là những nơi mà du khách không thể bỏ qua khi đến An Giang.

Bên cạnh đó, các lễ hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam (TP. Châu Đốc), lễ Dolta và đua bò của người Khmer ở huyện Tri Tôn, lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên (huyện An Phú) và lễ hội văn hóa dân tộc Chăm… được xem là sản phẩm du lịch độc đáo của An Giang.

Trong những năm qua, thế mạnh về du lịch An Giang đã được phát huy. Chương trình phát triển hạ tầng du lịch, ưu tiên đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối các khu du lịch mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh đã cân đối tổng vốn 3.108 tỷ đồng đầu tư các dự án giao thông phục vụ phát triển du lịch như các tỉnh lộ 941, 942, 943, 945, 948, 955A, 957 và 2 tuyến đường đầu tư trên địa bàn huyện Thoại Sơn; nâng cấp, mở rộng tuyến Thoại Giang - Xã Diễu, đoạn từ cầu Thoại Giang đến cầu Xã Diễu; nâng cấp tuyến tránh thị trấn Núi Sập, Khu du lịch núi Sập, Khu du lịch Soài So, hạ tầng Khu du lịch núi Cấm, tuyến tránh Quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông, đường lên đỉnh núi Sam... Song song đó, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại trong phát triển và quảng bá du lịch cũng được tỉnh quan tâm đầu tư.

Cáp treo Núi Cấm (An Giang). Ảnh: Hữu Trực

Ngoài nguồn vốn của Nhà nước, An Giang cũng đã huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã thu hút được 22 dự án đầu tư vào du lịch, với tổng vốn đăng ký 6.416 tỷ đồng. Các dự án tập trung đầu tư vào các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng như Công viên trò chơi núi Cấm, Khu du lịch văn hóa tâm linh - cáp treo Bà chúa xứ, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Trà Sư, Khu vui chơi giải trí Hải Đến, Khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc (núi Cấm)... qua đó đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng số lượng du khách và doanh thu dịch vụ.

Bên cạnh đó, cơ sở lưu trú, điểm tham quan, mua sắm... phục vụ du khách trên địa bàn tỉnh An Giang đã tăng về số lượng và chất lượng trong thời gian gần đây. Hiện trên địa bàn tỉnh có 97 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao, 39 khách sạn 1 sao); 13 công ty lữ hành (trong đó có 2 công ty lữ hành nội địa, 11 công ty lữ hành quốc tế); 1 công ty vận chuyển đường bộ; 3 công ty vận chuyển đường thủy; 16 địa điểm tham quan (trong đó có 2 khu du lịch và 3 điểm du lịch); 4 cơ sở ăn uống, mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, An Giang nổi lên như một điểm đến tham quan, du lịch an toàn, thân thiện do công tác kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Công tác quản lý nhà nước, giám sát hoạt động kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch được tăng cường. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã phối hợp với các ngành và địa phương liên quan tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch như: ban hành Chương trình kích cầu du lịch nội địa - An Giang năm 2020 với chủ đề “An Giang - Điểm đến an toàn, thân thiện”; Tọa đàm Đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch An Giang; Lễ phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa - An Giang năm 2020; Chợ phiên khởi nghiệp - Kích cầu tiêu dùng - Kích cầu du lịch tại TP. Long Xuyên.

Trong năm 2020,  An Giang đón khoảng 6,5 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng.

Phát huy thế mạnh đặc thù du lịch

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ lệ đóng góp trong cơ cấu GRDP chung của tỉnh, phấn đấu đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, theo ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang, định hướng phát triển du lịch của tỉnh trong năm 2021 và các năm tiếp theo là phát huy thế mạnh đặc thù của du lịch An Giang, phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu du lịch trọng điểm, phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với Chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới.

An Giang đang tiến hành rà soát, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch vùng Bảy Núi; chú trọng đặc trưng riêng của từng địa phương để khai thác du lịch và hình thành “mỗi địa phương là một điểm đến”. Làm tốt công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển mạnh hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, những hoạt động văn hóa, giải trí về đêm… để thu hút và giữ chân du khách.

Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh vùng đất và con người An Giang đến với du khách trong nước và quốc tế; tăng cường liên kết vùng, liên kết trong và ngoài nước nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh.

Tập trung triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác giám sát để nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư nhằm kịp thời xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư do doanh nghiệp thực hiện.

UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch số 523, triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo kế hoạch này, ngành du lịch An Giang phấn đấu đến năm 2025 đón 10 triệu lượt khách, trong đó tỷ trọng khách lưu trú chiếm 30%; năm 2030, đón 14,5 triệu lượt khách, tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 35%; tổng doanh thu từ du lịch năm 2025 đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, năm 2030 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.
Tin liên quan
Tin khác