Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản của tỉnh.
An Giang đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm cánh đồng lúa chất lượng cao của tỉnh. Ảnh: Ngô Chuẩn |
Nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp
An Giang là tỉnh nằm ở đầu nguồn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Trong đó, lúa và thủy sản nước ngọt là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh với sản lượng cao và có nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Diện tích canh tác lúa của tỉnh đạt trên 250.000 ha, sản xuất 3 vụ với hệ số sử dụng đất là 2,43 lần; sản lượng lúa đạt gần 3,92 triệu tấn/năm (năm 2019). Trong đó, có 70% diện tích trồng lúa chất lượng cao; giá trị sản xuất bình quân đạt 192 triệu đồng/ha.
Về thủy sản, toàn tỉnh An Giang có 3.473 ha nuôi thủy sản, sản lượng 532.000 tấn/năm. Trong đó, cá tra, cá basa là sản phẩm chiến lược của tỉnh với sản lượng đạt 412.000 tấn.
Đặc biệt, tại An Giang, việc triển khai thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/3/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trong đó có Dự án Đầu tư nâng cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang) đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp nuôi, cung cấp cá giống chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đề án đã mang lại hiệu quả tích cực, từng bước tạo nền tảng vững chắc để An Giang trở thành trung tâm cung cấp giống thủy sản chất lượng cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Ngoài lúa, cá, An Giang đang mở rộng diện tích vườn cây ăn trái theo hướng chuyên canh, tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh các loại cây ăn trái chủ lực như xoài, nhãn, chuối, cây có múi, nhiều địa phương đã hình thành một số vùng trồng các loại cây ăn trái có tiềm năng như sầu riêng, bơ, thanh long... góp phần làm đa dạng chủng loại cây ăn trái của tỉnh.
Trên địa bàn An Giang đã từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn như trái cây (Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú...), rau màu (Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, Long Xuyên, Châu Đốc...), lúa nếp (Phú Tân, Châu Phú) gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.
Tháo gỡ các điểm nghẽn
Trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh An Giang có mức tăng trưởng khá và tiếp tục khẳng định vai trò là nền tảng của kinh tế địa phương. Chương trình phát triển nông nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai theo phương châm lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa.
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều hiệu quả, giảm dần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ; các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, giá trị sản xuất được nâng lên.
Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh An Giang đã chuyển đổi 22.554 ha diện tích đất trồng lúa sang rau màu, cây ăn trái, thực hiện cải tạo vườn tạp, kém hiệu quả sang cây trồng mới theo hướng chuyên canh, tăng hiệu quả kinh tế. Hiện nay, tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh khoảng 18.900 ha.
Theo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp là tỉnh đã tìm giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển, nhất là về thủ tục hành chính, khuyến khích tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, mời gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư lớn, từng bước giải quyết bài toán giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
An Giang đã và đang thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, bước đầu đạt được kết quả khả quan.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã thu hút 60 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký 22.860 tỷ đồng, chiếm trên 24,9% tổng số dự án và chiếm 36,52% tổng vốn đăng ký đầu tư toàn tỉnh. Nhiều dự án quy mô vốn lớn đã và đang triển khai đầu tư như: Dự án Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao tại thị xã Tân Châu của Công ty cổ phần Cá tra Việt Úc với quy mô 160 ha, vốn đầu tư đăng ký 200 tỷ đồng; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú có quy mô 450 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng và Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao Nam Việt Bình Phú có quy mô 150 ha, vốn đăng ký 1.000 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (đầu tư tại huyện Châu Phú); Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Ngọc Thiên Phú có vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng; Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại huyện Tri Tôn của Tập đoàn TH, có tổng vốn đầu tư đăng ký 2.655 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, công nghệ cao, được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như: Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Hà Nội - Cần Thơ, Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi, Công ty cổ phần Nha Trang Seafood...
Với việc thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, sẽ góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và phát triển nông phẩm hàng hóa có giá trị giá tăng trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng, giá trị
Lãnh đạo tỉnh An Giang khẳng định, nông nghiệp là nền tảng của kinh tế địa phương; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Do vậy, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, có chất lượng và hiệu quả cao, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh như lúa, cá, cây ăn quả, chăn nuôi. Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ tái cơ cấu gắn với khuyến khích đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp với phương châm thị trường hóa hoạt động nông nghiệp để ổn định đầu ra cho nông sản; công nghiệp hóa và công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng; dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn hóa và cải thiện hiệu quả; nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.