EuroCham và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietrade) đã ký kết biên bản ghi nhớ để quảng bá các doanh nghiệp Việt Nam tại Khu gian hàng Quốc gia Việt Nam và GEFE 2022 |
Quá trình chuyển đổi xanh
Các cam kết về khí hậu của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) cuối năm 2021 đã kích hoạt một loạt sáng kiến chính sách toàn diện được thực hiện ở tất cả các cấp, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên một đơn vị GDP và tối đa hóa sản xuất năng lượng tái tạo.
Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam dường như chủ yếu dựa vào sử dụng nhiều carbon để duy trì tăng trưởng. Điều này dẫn đến những hậu quả về môi trường kéo dài và có thể cần phải định hướng lại sản lượng công nghiệp.
Việc xây dựng và duy trì hạ tầng năng lượng phức tạp, cũng như các thách thức cấp bách khác sẽ đòi hỏi một lượng đầu tư lớn chưa từng có để nâng cao năng lực vốn nhân lực và công nghệ của Việt Nam. Dự thảo Quy hoạch điện VIII của Việt Nam kêu gọi thêm 11 tỷ USD tài trợ cho các dự án năng lượng đến năm 2030. Tương tự, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam nên đầu tư 368 tỷ USD vào năm 2040 để đạt được khả năng chống chịu với khí hậu.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), người từng là thành viên đoàn Việt Nam tới Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết COP26 cho biết, EuroCham và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu có thể đóng một vai trò quan trọng, hỗ trợ Việt Nam trong hành trình thực hiện cam kết này.
“Mặc dù Chính phủ và khu vực tư nhân của Việt Nam sẽ dẫn đầu quá trình chuyển đổi xanh, song các doanh nghiệp châu Âu đang ở đây để huy động vốn và mang công nghệ xanh đến Việt Nam. Sự tham gia của khu vực tư nhân có thể giúp duy trì sự cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường”, ông Cany bình luận.
Theo ông Cany, các công ty và nhà hoạch định chính sách châu Âu có chuyên môn đáng kể trong các ngành công nghiệp xanh, bền vững và phát triển năng lượng tái tạo. Điều này khiến họ trở thành đối tác lý tưởng để hợp tác với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam nhằm lấp đầy khoảng trống về nguồn lực.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng về năng lượng, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió. Các công ty có chuyên môn và công nghệ phù hợp có thể mở ra tiềm năng này. Việt Nam có thể hưởng lợi rất nhiều từ chuyên môn và công nghệ tiên tiến mà các công ty và nhà hoạch định chính sách của châu Âu đã tích lũy được trong nhiều thập kỷ kinh nghiệm thực tế”, ông Cany nói thêm.
Tăng cường hợp tác phát triển bền vững
EuroCham sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE 2022) từ ngày 28 đến 30/11 tại THISO SkyHall (TP.HCM). Sự kiện dự kiến quy tụ các nhà hoạch định chính sách hàng đầu, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, sinh viên và công chúng tham gia.
Từ việc chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm kỹ thuật với các công ty và nhà hoạch định chính sách Việt Nam thông qua đối thoại toàn diện, phối hợp đầu tư, trao đổi kiến thức và chuyển giao công nghệ, GEFE 2022 dự định tăng cường hợp tác phát triển bền vững EU - Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26.
GEFE 2022 đã đề ra một kế hoạch sâu rộng để thực hiện điều này, bắt đầu bằng một hội nghị toàn thể vào ngày 28/11, với sự tham dự của đại diện cấp cao của Chính phủ Việt Nam và EU, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các quan chức quốc tế. Các đại biểu sẽ thảo luận về các trở ngại tăng trưởng xanh “cứng đầu nhất” của Việt Nam, cách loại bỏ chúng càng nhanh càng tốt và tác động đến tiến trình phát triển lâu dài của đất nước. Hội nghị sẽ tạo cơ hội để xem xét và mở rộng các kết quả của COP27, diễn ra tại Ai Cập từ ngày 6 - 18/11.
GEFE 2022 cũng bao gồm các hội nghị về năng lượng và tài chính xanh sẽ diễn ra ngày 28/11, xử lý chất thải và phát triển bền vững ngày 29/11, đổi mới và khởi nghiệp vào ngày 30/11. Hơn 20 chủ đề xanh sẽ được thảo luận, bao gồm nhưng không giới hạn ở nền kinh tế tuần hoàn, tái tạo năng lượng, thành phố thông minh, du lịch xanh, nông nghiệp bền vững và xử lý nước.
“Đây là cơ hội duy nhất để các chuyên gia và học giả trao đổi kiến thức với các nhà hoạch định chính sách, đại diện ngành, sinh viên và công chúng. Bất kể trình độ chuyên môn của bạn trong lĩnh vực tăng trưởng xanh là gì, các hội nghị của chúng tôi sẽ mang đến cho bạn cơ hội đặt câu hỏi và nâng cao kiến thức”, Giám đốc Dự án GEFE Yasmina Depas cho biết.
GEFE 2022 còn có một triển lãm kéo dài 3 ngày giới thiệu các công nghệ xanh tiên tiến và các sáng kiến bền vững từ châu Âu, Việt Nam và hơn thế nữa. Hơn 150 nhà triển lãm, bao gồm các công ty liên quan đến năng lượng tái tạo, ngân hàng, hàng tiêu dùng nhanh và các tổ chức phi chính phủ dự kiến tham dự triển lãm này.
Tám không gian triển lãm theo chủ đề sẽ có mặt tại triển lãm, bao gồm các gian hàng quốc gia cho Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Na Uy và Việt Nam, cũng như không gian của EuroCham, khu vực trưng bày các công ty khởi nghiệp chuyên về tái chế nhựa, quản lý chất thải thực phẩm và bao bì bền vững.
EuroCham đã ký Biên bản ghi nhớ với Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietrade) để quảng bá các doanh nghiệp Việt Nam tại Khu gian hàng Quốc gia Việt Nam và GEFE 2022. “Sự hợp tác với Vietrade cho phép chúng tôi mang những gì tốt nhất của Nhóm châu Âu và Việt Nam đến TP.HCM, bao gồm các lĩnh vực năng lượng xanh, xử lý chất thải, sản xuất...”, ông Cany cho biết.
Cùng với EuroCham và Vietrade, Phái đoàn EU tại Việt Nam, Ủy ban Lĩnh vực Tăng trưởng Xanh của EuroCham, 9 hiệp hội doanh nghiệp châu Âu trực thuộc, các đại sứ quán và tổ chức chính phủ châu Âu, cũng như Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành khác tham gia hỗ trợ tổ chức GEFE 2022.