"Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp từ cây lúa" là chủ đề của Hội thảo do UBND tỉnh Đồng Tháp và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức tại TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) vào ngày 18/11/2022.
Tại Hội thảo, lãnh đạo các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế… đã nêu thực trạng sản xuất lúa trong Vùng với những thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen; đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm gia tăng lợi nhuận, nâng cao mức sống của người trồng lúa.
Hội thảo "Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp từ cây lúa" |
Theo ông Lê Quốc Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ĐBSCL đã phát huy lợi thế là vựa lúa lớn nhất cả nước, khi đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo trong nhóm dẫn đầu của thế giới; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và ổn định cuộc sống cho 65% dân cư nông thôn của Vùng…
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Phong cho rằng, vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở; thu nhập của nông dân trồng lúa chưa ổn định, vẫn còn thấp so với các loại nông sản khác. Những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá bán thấp tiếp tục đe dọa đến thu nhập của nông dân trồng lúa khiến cuộc sống người dân thiếu bền vững. Nông dân trồng lúa còn phải bảo đảm không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất, bảo đảm mục tiêu giữ ổn định diện tích đất trồng lúa theo chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ là 192.446 ha vào năm 2025 và 189.612 ha vào năm 2030.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại Hội thảo |
“Chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều giải pháp có thể cùng kết hợp để giúp người dân trồng lúa nâng cao thu nhập, để người dân an tâm sản xuất lúa bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực và có cuộc sống sung túc hơn; để trong hành trình tìm đến sự sung túc, phát triển của ĐBSCL luôn luôn có sự hiện diện của cây lúa, và có những lời giải từ cây lúa mang đến những giá trị mới, bền vững hơn. Tôi tin hội thảo hôm nay phần nào tìm được lời giải cho bài toán căn cơ, cấp thiết, đầy thách thức trên”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ.
Theo TS. Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, diện tích đất trồng lúa của vùng ĐBSCL khoảng 1,4 - 1,5 triệu ha. Trong đó, các vùng sinh thái Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Tây Nam sông Hậu... thì trong 20 năm nữa khó có loại cây con nào thay thế được cây lúa. Thế nên, nhiệm vụ của chúng ta là cần nghiên cứu thế nào để trong tương lai vẫn vừa bảo đảm sự ổn định ngành hàng lúa gạo vừa bảo đảm đời sống người nông dân.
TS Đặng Kiều Nhân cho rằng, trong thực tế, sản xuất lúa nói chung và ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL nói riêng có những lợi thế rất lớn về điều kiện sinh thái và thủy lợi. Nếu so với các nước trồng lúa và xuất khẩu gạo, Việt Nam có lợi thế hơn rất nhiều. Hơn nữa, nông dân Việt Nam trồng lúa giỏi. Dịch vụ chế biến lúa gạo hiện nay khá tốt so với các ngành hàng chủ lực khác, đặc biệt, khâu cơ giới hóa trong ngành lúa gạo khá hoàn chỉnh, một nông dân có thể thuê nhân lực rất ít vẫn có thu nhập ổn định.
“Mặc dù thu nhập từ lúa không cao, nhưng ổn định. Nên việc chuyển dịch sản xuất nông nghiệp rất quan trọng, phải tăng lợi nhuận nông dân lên. Để tăng lợi nhuận của nông dân trồng lúa, cải tiến kỹ thuật chỉ giúp nông dân tăng lợi nhuận lên 10 - 15%, nhưng nếu giúp nông dân cải tiến trồng canh tác trên đất lúa, giúp tăng lợi nhuận của nông dân lên 40%. Hoặc nếu đi sâu hơn nữa, phát triển thị trường lúa gạo, giúp lợi nhuận của nông dân thêm 50%. Thế nên, muốn tăng lợi nhuận cho nông dân thì phải tăng kỹ thuật canh tác trên nền lúa mới giúp nông dân giàu lên được”, TS Đặng Kiều Nhân nhấn mạnh.
Dưới góc độ là một nhà nông học nổi tiếng, người có nhiều tâm huyết với sự phát triển của vùng ĐBSCL, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, từ năm 1989 đến nay, suốt 32 năm, nông dân trồng lúa đã làm rạng rỡ nước nhà, đặt Việt Nam vào vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, người trồng lúa vẫn chưa làm giàu được do chạy theo sản lượng bằng việc sử dụng quá nhiều hóa chất, giá thành cao, chất lượng thấp, vừa phí phạm nước tưới. Trong khi đó, một số ít nông dân đã làm giàu nhờ chuyển sang sản xuất những loại cây con khác không phải cây lúa. Hiện nay, cây lúa Việt Nam phải sống chung với biến đổi khí hậu (nước lũ, hạn, mặn xâm nhập) vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa làm nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, vừa làm nhiệm vụ kinh tế.
GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng cần tổ chức lại diện tích đất lúa theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì sản lượng |
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân cần tổ chức lại diện tích đất lúa theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì sản lượng. Đồng thời, cần quy hoạch lại vùng sản xuất lúa theo hướng phù hợp và bền vững, với 3 vùng sinh thái: Vùng thượng nguồn, vùng giữa và vùng ven biển.
Đối với vùng thượng nguồn sông Cửu Long, đây là vùng đất phù sa cổ xen lẫn đất phèn sâu, quanh năm có nước ngọt, không nước mặn xâm nhập, hệ thống thủy lợi đã được nhà nước trang bị đầy đủ có thể áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn thực phẩm chất lượng cao, chủ yếu sử dụng giống lúa ngắn ngày năng suất cao; hạt dài, trung bình, hoặc tròn tùy theo khách hàng đầu ra.
Đối với giữa đồng bằng, đây là vùng trũng, phù sa có phèn, hàng năm bị ngập lũ trong mùa mưa và thủy triều; khô hạn trong mùa nắng, hiện tại đang sản xuất lúa 3 vụ/năm trong các vùng đê bao ngăn lũ có đầy đủ hệ thống thủy lợi xen kẻ với các vườn cây ăn trái rất tốt trên liếp cao. Hướng tới sẽ giảm diện tích lúa, xen vụ thủy sản và trồng cây ăn trái.
Vùng ven biển là vùng sản xuất bền vững nhất, lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ/mặn trong mùa nắng.
GS.TS Võ Tòng Xuân đề nghị, Nhà nước tiếp tục đầu tư khoa học và cấu trúc hạ tầng thủy lợi thiết lập những vườn cây ăn trái hiện đại từ các diện tích lúa vùng kém thích nghi giữa đồng bằng và vùng lúa tôm ven biển để nông dân tham gia sản xuất có lợi nhuận lớn hơn.
“Đầu tư theo định hướng này, chắc chắn Nhà nước sẽ tạo điều kiện khuyến khích nhất cho nông dân tham gia các hợp tác xã kiểu mới trên cánh đồng lớn của họ liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra của nông sản, chế biến thành những sản phẩm có thương hiệu mạnh”, GS.TS Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Là địa phương có diện tích, sản lượng lúa khá lớn trong vùng ĐBSCL với tổng diện tích gieo trồng trung bình năm 216.385 ha, sản lượng trên 1,368 triệu tấn/năm, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhận định, nhìn chung tình hình trồng lúa ở Cần Thơ hiện nay có bước tăng trưởng nhưng chưa ổn định, bền vững; thu nhập của người trồng lúa chưa cao do nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, đặc biệt, là do yếu tố biến đổi khí hậu, giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu tăng cao. Từ đó, một bộ phận lao động nông thôn rời quê hương để tìm công việc khác có thu nhập cao hơn…
Để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, ông Dương Tấn Hiển đề xuất mạnh dạn chuyển đổi vùng sản xuất không thuận lợi sang cây trồng vật nuôi khác để tăng giá trị thu nhập.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển giống chất lượng cao, giống thơm đặc sản với chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng theo mã số vùng trồng và ghi nhật ký sản xuất để tăng giá trị xuất khẩu. Thúc đẩy tích tụ ruộng đất, tăng quy mô cho chủ thể sản xuất để tạo điều kiện cơ giới hóa, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số để tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, phát triển một số dịch vụ theo hướng tích hợp đa giá trị: gắn sản xuất lúa gạo, phụ phẩm lúa gạo với chương trình OCOP, du lịch…; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nông thôn để góp phần giải quyết lao động tại chỗ.