Thừa ủy quyền của UBND tỉnh An Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang vừa phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cùng với các sở, ngành của tỉnh tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và hỗ trợ doanh nghiệp những tháng cuối năm 2023 và các năm tiếp theo”.
Đây là động thái tích cực để các sở, ban, ngành tỉnh An Giang cùng với đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các Hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, phân tích, mổ xẻ các vấn đề cần quan tâm, tạo cầu nối chia sẻ thông tin, xác định nhu cầu của doanh nghiệp, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất với mục tiêu cuối cùng là làm hài lòng doanh nghiệp.
Cũng tại Hội nghị này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang đã thông tin, chia sẻ một số cách làm hay, mô hình tốt của tỉnh Quảng Ninh mà tỉnh An Giang có thể áp dụng, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, công tác tổ chức bộ máy hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư, cách thức giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.
Ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị |
Hội nghị cũng đã lắng nghe những ý kiến đóng góp rất có ý nghĩa từ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các Hội nghề nghiệp và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những gợi ý mang tính tư vấn của ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, trong thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI và hỗ trợ doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, các sở, ban ngành tỉnh sẽ đồng lòng, thống nhất triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư có hiệu quả theo chỉ đạo UBND tỉnh An Giang tại Kế hoạch số 699/KH-UBND ngày 15/8/2023. Hàng tháng cần phải có sơ kết, báo cáo kết quả triển khai đã làm được những gì, có số liệu cụ thể và hành động cụ thể.
Thứ hai, phát huy tính hiệu quả của Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án theo Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 1/6/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm tương tác với Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và kịp thời phối hợp các các sở, ban, ngành tỉnh giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết.
Về vấn đề này, tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp cũng đã thấu hiểu, chia sẻ với chính quyền địa phương về những khó khăn, vướng mắc do sự chồng chéo của các quy định pháp luật vượt thẩm quyền giải quyết của địa phương. Do đó, có một số khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết trong thời gian ngắn mà cần có thời gian nghiên cứu, xin ý kiến và chờ hướng dẫn các Bộ ngành Trung ương.
Thứ ba, chính quyền địa phương và các sở, ban ngành tỉnh tiếp tục tăng cường đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp theo chuyên đề, dự kiến mỗi tháng 1 lần theo lĩnh vực, ngành nghề nhằm nắm bắt, tìm hiểu về hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại mỗi lần gặp gỡ cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, có ghi nhận, đánh giá, phân tích khả năng giải quyết từng vấn đề, cách thức giải quyết để tạo tính minh bạch, sự an tâm cho cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong từng vấn đề, các sở, ngành và địa phương luôn luôn đồng hành, chia sẻ cùng với doanh nghiệp để giải quyết một cách thấu đáu, đạt tình tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp.
Thứ tư, tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, trong đó quyết liệt cắt giảm các loại thủ tục, giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Ngoài ra, cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng thái độ ứng xử và nâng cao trình độ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Duy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hạnh Duy - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang chia sẻ tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh An Giang và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh An Giang thể hiện quyết tâm làm chuyển biến tình hình, đáp ứng kỳ vọng của Tỉnh ủy và UBND tỉnh An Giang trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, đúng pháp luật để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và thu hút đầu tư.
Muốn thế, các Hiệp hội doanh nghiệp, các Hội nghề nghiệp cần chuyển tải thông điệp tích cực của chính quyền địa phương đến cho cộng đồng doanh nghiệp để doanh nghiệp chia sẻ, đồng hành và hiểu được những nỗ lực chính quyền đang làm tốt công tác này.
Với việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang kỳ vọng PCI của địa phương trong năm 2023 sẽ được cải thiện, tạo tiền đề cho việc bứt phá những năm tiếp theo với mục đích cốt lõi là thu hút được nhiều nhà đầu tư đến An Giang đầu tư, sản xuất kinh doanh trong một môi trường thông thoáng, minh bạch cùng với với thái độ thân thiện, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp của các sở, ngành và chính quyền các cấp.