Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, An Giang nằm ở vị trí địa đầu biên giới Tây Nam Tổ quốc, với biên giới dài gần 100 km giáp vương quốc Campuchia, An Giang có địa chính trị, địa kinh tế, văn hoá - xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng. Diện tích tự nhiên 3.536 km2, dân số trên 2 triệu người, đông nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 8 trong cả nước. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện, với 156 xã, phường, thị trấn.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Lễ kỷ niệm 190 năm ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang (1832-2022) |
An Giang là tỉnh có đặc trưng riêng biệt, vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi với nhiều di tích lịch sử mang dấu ấn nền văn hóa lúa nước cổ xưa; có nhiều cảnh quan thiên nhiên về sông nước, đồng lúa, núi non kỳ vĩ… tạo bức tranh sơn thủy, hội tụ trong không gian văn hóa độc đáo.
An Giang còn là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, nơi khởi nguồn của đạo Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng chung sống hòa thuận lâu đời, hình thành những giá trị văn hóa phong phú cùng các công trình kiến trúc độc đáo.
Với ý nghĩa là vùng đất có những dòng sông hiền hòa và an bình, tên gọi An Giang ra đời vào năm 1832, khi vua Minh Mệnh quyết định đổi Ngũ trấn thành Lục tỉnh ở Nam Kỳ. Sách “Đại Nam thực lục chính biên” ghi nhận 190 năm trước, vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mệnh thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mệnh đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh”, quyết định thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên cùng thời điểm, trong đó có tỉnh An Giang. Đối chiếu với lịch vạn niên, ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832) nhằm ngày 22/11/1832 (dương lịch).
Tháng 02/1976, thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tỉnh An Giang được tái lập (gồm 8 huyện là: Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên và 2 thị xã Long Xuyên, Châu Đốc với 124 xã, phường, thị trấn).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, quán triệt phương châm “Lấy dân làm gốc”, “Dân giàu nước mạnh” và trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan, Đảng bộ, chính quyền tỉnh An Giang xác định nông nghiệp là nền tảng, là mặt trận hàng đầu; nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới, nông thôn là địa bàn chiến lược.
Thực tiễn chứng minh chính sách “tam nông” đã giải quyết đồng bộ, hiệu quả các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là nông dân. Chính những chủ trương, chính sách linh hoạt, đúng đắn, sáng tạo, mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Từ tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, đến năm 1988 sản lượng lúa của An Giang vượt qua mức 1 triệu tấn; đến năm 1994 vượt mức 2 triệu tấn và hiện nay đạt trên 4 triệu tấn. An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tỉnh đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện; hệ thống y tế, giáo dục không ngừng được củng cố phát triển; chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ mức 7,84% (năm 2011) còn 1,93% (năm 2020); quốc phòng - an ninh được tăng cường, hoạt động đối ngoại được mở rộng.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang 190 năm, với những thành tựu đạt được trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, An Giang đang bước vào một chặng đường phát triển mới. Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030 phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao...”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 190 năm ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang (1832-2022) |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao nhân dân An Giang không chỉ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, mà còn rất cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, luôn thể hiện ý khí và khát vọng mạnh mẽ vươn lên trước mọi khó khăn, thử thách.
Bước vào thời kỳ đổi mới, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ đã tìm tòi, thể nghiệm, chủ động, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là một trong những địa phương quyết liệt đi đầu, có nhiều đổi mới táo bạo từ rất sớm. An Giang nổi lên như là một điển hình của việc vận dụng sáng tạo những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang cũng đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao.
Để tiếp tục phát triển và có đóng góp to lớn hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước, ông Trần Tuấn Anh đề nghị An Giang cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ứng dụng công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo, hài hòa với thiên nhiên trong phát triển kinh tế... Tỉnh cần xác định đúng các tiềm năng, thế mạnh, cũng như những cơ hội và xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để tỉnh có thể đạt được các mục tiêu, khát vọng, hướng đến phát triển nhanh, bền vững và thịnh vượng.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng lưu ý tỉnh khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả "Quy hoạch phát triển tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" làm cơ sở để triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
Tại Lễ kỷ niệm, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định 1447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 22/11 hàng năm là "Ngày truyền thống tỉnh An Giang".