Các đoàn khách MICE đang mang lại doanh thu lớn cho nhiều doanh nghiệp lữ hành. |
Thị trường MICE tăng mạnh
Từ đầu năm đến nay, thị trường khách MICE tăng cả về số lượng và yêu cầu sản phẩm, trở thành “cứu cánh” cho nhiều hãng lữ hành khi lượng khách du lịch nội địa chuyển sang đi du lịch tự túc tăng mạnh.
Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel cho biết, 8 tháng qua, Công ty ghi nhận lượng khách tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó khoảng 70% là các đoàn MICE nội địa, còn lại là đi tour quốc tế.
Hè năm nay, Vietravel ghi nhận lượng khách MICE bùng nổ, tăng 30 - 40% so cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Vietravel là đơn vị đón đoàn khách quốc tế đông nhất từ trước đến nay với hơn 4.500 khách đến từ nhiều quốc gia, chủ yếu là người Ấn Độ của Tập đoàn Dược phẩm Sun Pharma. Đoàn khách MICE cao cấp này chia thành các đoàn nhỏ đến Việt Nam từ ngày 27/8 tới ngày 7/9, tham quan Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh) và Ninh Bình.
- Ông Suhash Chandar, Giám đốc điều hành Asia DMC
Để đón được đoàn khách MICE “khủng”, trước đó, Vietravel đã kết hợp cùng các hãng hàng không, tập đoàn và nhiều công ty du lịch của Ấn Độ thực hiện phát động điểm đến Việt Nam tại Delhi. Các bên hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời, tổ chức sự kiện, lễ hội, hội chợ du lịch nhằm khai thác hiệu quả các đường bay và sản phẩm du lịch của các đơn vị.
Trong khi đó, Flamingo Redtours được lựa chọn là đơn vị thiết kế, tổ chức tour MICE Bắc Giang - Hạ Long 3 ngày 2 đêm cho 5.100 khách của Tổng công ty May Bắc Giang BGG. Ông Hồ Thanh Chương, Giám đốc Kinh doanh nội địa của Flamingo Redtours cho hay, tại Flamingo Redtours, lượng khách MICE năm nay tăng trưởng mạnh so với năm 2023, chiếm khoảng 65 - 70% lượng khách của Công ty.
Là đơn vị lữ hành có uy tín, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist trong nửa đầu năm nay đã phục vụ hơn 60.000 lượt khách du lịch tàu biển quốc tế, tăng 15% so với 2023. “Saigontourist đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam đến các thị trường quốc tế trọng điểm, đặc biệt là thị trường khách du lịch tàu biển quốc tế hạng sang, mang lại thành quả vượt mong đợi”, ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng giám đốc Saigontourist chia sẻ.
Gần đây, tỉnh Quảng Ninh đón nhiều đoàn khách MICE số lượng lớn. Bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết: “Du lịch MICE là thị trường trọng tâm mà ngành du lịch Quảng Ninh hướng tới. Để thu hút du khách, ngoài việc chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hóa sản phẩm, ngành du lịch Quảng Ninh còn xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ đặc biệt như chào đón, giảm giá vé tham quan, tặng hoạt động trải nghiệm… Tùy quy mô và tính chất đoàn, các chính sách này sẽ được áp dụng linh hoạt. Chúng tôi hy vọng, sự hỗ trợ này sẽ thu hút du khách MICE đến với Quảng Ninh nhiều hơn nữa, góp phần đạt mục tiêu đón 19 triệu lượt khách trong năm 2024 của tỉnh”.
Nhiều dư địa
Việc Việt Nam thu hút lượng lớn du khách MICE được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tháng 3/2024, tại Lễ trao giải thưởng MICE thế giới lần thứ 4 tổ chức tại Đức, Việt Nam một lần nữa được vinh danh ở nhiều hạng mục quan trọng như “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á”, “Điểm đến nghỉ dưỡng dành cho doanh nghiệp tốt nhất châu Á”. Đặc biệt, Vietnam Airlines được vinh danh là “Hãng hàng không MICE hàng đầu châu Á”; Vietravel được vinh danh “Đơn vị tổ chức du lịch MICE hàng đầu châu Á”.
Những giải thưởng đó không chỉ khẳng định Việt Nam đã để lại dấu ấn với du lịch MICE, mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp du lịch thêm tự tin đầu tư, đẩy mạnh khai thác thị trường này.
Ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chia sẻ, Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới đạt hơn 1.400 tỷ USD; tập trung lớn ở châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Sau Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tổ chức hội nghị tổng kết, khen thưởng hoặc tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư, kết hợp tham quan, giải trí. Đây là dư địa lớn để phát triển du lịch MICE tại Việt Nam.
Cùng với đó, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam. “Tuy nhiên, phát triển du lịch MICE cần có các giải pháp đặc thù, gắn kết nhiều loại hình du lịch, dịch vụ hoàn hảo. Từng địa phương cần xác định rõ thế mạnh, khả năng thu hút khách để có sự đầu tư phù hợp, tránh lãng phí hoặc hạ tầng, cơ sở vật chất không đủ để phục vụ các đoàn khách MICE”, ông Siêu lưu ý.
Đồng tình, ông Nghĩa cho rằng, nhu cầu của các đoàn khách MICE luôn thay đổi và ngày càng quan tâm đến việc tổ chức các sự kiện MICE bền vững, thân thiện với môi trường.
“Du khách MICE ngày nay ưa chuộng trải nghiệm độc đáo và được cá nhân hóa, mong muốn được khám phá văn hóa địa phương một cách chân thực, hòa mình vào thiên nhiên và tham gia các hoạt động mang tính trải nghiệm cao. Do đó, với mỗi khách hàng, cần nghiên cứu rất kỹ văn hoá doanh nghiệp và đặc trưng thương hiệu của họ để “đo ni đóng giày”, cung cấp dịch vụ phù hợp”, ông Nghĩa nói.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam nhấn mạnh, để tạo bứt phá cho thị trường MICE, ngành du lịch cần có chương trình phát triển cho loại hình này, thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm đặc thù, đẩy mạnh xúc tiến quốc tế và có sự chung tay của nhiều địa phương, cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp.