Doanh nghiệp
Ẩn số thương vụ IPO của Vinalines
Anh Minh - 11/08/2018 08:52
Việc không tìm được nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO sẽ khiến việc cổ phần hóa của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trở nên rất khó dự đoán.

IPO một mình

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Quyết định số 1659/QĐ -BGTVT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và điều chỉnh số lượng cổ phần bán đấu giá công khai ra công chúng khi cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines.

Vinalines dự kiến đấu giá bán 280.921.160 cổ phần trong tuần đầu tháng 9/2018. Ảnh: Đức Thanh

Theo đó, không có bất cứ nhà đầu tư chiến lược nào đủ điều kiện tham gia mua cổ phần của Công ty mẹ - Vinalines. Do không lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược như kế hoạch đề ra, nên Bộ GTVT buộc phải điều chỉnh cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, chuyển số lượng cổ phần chênh lệch giữa số cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo Phương án cổ phần hóa được duyệt (là 207.896.970 cổ phần) với số cổ phần đăng ký mua thành công của nhà đầu tư chiến lược (là 0 cổ phần) thành số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng.

“Với quyết định này, tổng số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng là 488.818.130 cổ phần, tương ứng 34,8% vốn điều lệ của công ty mẹ”, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines cho biết.

Trước đó, sau khi hết thời hạn đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược (12/7/2018), Vinalines nhận được 1 bộ hồ sơ của Công ty TNHH SK Securities (Hàn Quốc). Tuy nhiên, so với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đã được công bố, SK Securities không đủ điều kiện được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược của Công ty mẹ - Vinalines.

Cần phải nói thêm rằng, tại bản công bố thông tin chào bán 207.896.970 cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược hồi cuối tháng 6/2018, Vinalines mở rộng cửa cho doanh nghiệp trong và ngoài nước thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn đã được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 4/2018.

Ngoài việc cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của Vinalines trong vòng 3 năm kể từ khi được chọn, ứng viên trở thành nhà đầu tư chiến lược của “ông lớn ngành hàng hải Việt Nam” cần phải đáp ứng một loạt điều kiện chung và điều kiện riêng khác.

Cụ thể, trong số nhóm điều kiện chung, nhà đầu tư phải có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động kinh doanh 2 năm gần nhất tính từ thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi và không có lỗ lũy kế. Với nhóm điều kiện riêng, các nhà đầu tư là doanh nghiệp cùng ngành nghề, Bộ GTVT yêu cầu phải có mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng.

Đối với các nhà đầu tư ngoài ngành nghề, mức vốn điều lệ được yêu cầu cao gấp đôi (2.000 tỷ đồng) hoặc có quy mô tổng tài sản đang quản lý tối thiểu 2.000 tỷ đồng đối với các nhà đầu tư là các quỹ đầu tư.

Khó khăn

Đây không phải là lần đầu tiên, một tổng công ty lớn trong ngành GTVT tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) khi chưa chọn được nhà đầu tư chiến lược.

Trước đó, sau 1 năm chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - CTCP mới có thể công bố Tập đoàn hàng không ANA Holdings (Nhật Bản) là nhà đầu tư chiến lược. Tính tổng cộng, hành trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines kéo dài tới 20 tháng kể từ khi gửi Bản công bố thông tin ngắn (Teaser) và Thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) tới 19 nhà đầu tư từ tháng 9/2014.

Còn tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hành trình tìm nhà đầu tư chiến lược thậm chí còn chưa có kết quả sau gần 3 năm IPO.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hải cho biết, trong quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa, Vinalines đã lường trước tình huống không chốt được nhà đầu tư chiến lược sở hữu 14,8% vốn điều lệ. Trong đề xuất gửi Bộ GTVT vào giữa tháng 7/2018, toàn bộ lô cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược được kiến nghị bán đấu giá công khai ra công chúng theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và Công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Trước đó, vào tháng 7/2018, Vinalines đã có đơn gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đề nghị cho phép đơn vị này được tiến hành đấu giá bán 280.921.160 cổ phần, với mã chứng khoán đề xuất là MVN, trong tuần đầu tháng 9/2018. Vinalines cũng muốn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đối với toàn bộ cổ phần trúng đấu giá đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán.

Điều đáng nói là, dù chốt giá khởi điểm ở mức 10.000 đồng/cổ phần, nhưng do lượng cổ phiếu chào bán tăng gần gấp đôi so với kế hoạch, nên nguy cơ ế cổ phiếu MVN là rất lớn. Tính toán sơ bộ cho thấy, để hấp thụ toàn bộ lô 488.818.130 cổ phiếu, các nhà đầu tư cần bỏ ra tối thiểu 4.888 tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn cung cổ phiếu từ IPO, thoái vốn nhà nước rất lớn trong 6 tháng cuối năm, sức hấp dẫn của cổ phiếu MVN rõ ràng là không thể đọ với những cái tên như BIDV, Petrolimex, Viglacera, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Bến Thành Corp, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn…

“Khả năng rất cao là tỷ lệ nắm giữ vốn của cổ đông nhà nước sẽ vượt quá con số 65% vốn điều lệ khi Vinalines chính thức chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào quý III năm nay”, một chuyên gia nhận định.

Tin liên quan
Tin khác