Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phía Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam, đồng thời sản lượng tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh do ngành du lịch giảm cầu. Điều này đã khiến cho việc tiêu thụ nông, lâm, thủy sản gặp khó khăn.
Hiện, nhiều loại nông sản đang tồn đọng với số lượng lớn. Trong đó, sản lượng ngao 2 cùi gần 3.000 tấn; hàu Thái Bình Dương là 4.500 tấn; trứng gà 18.000 quả/ngày tập trung chủ yếu tại ba huyện Vân Đồn, Hải Hà, Quảng Yên. Trong thời gian tới, một số sản phẩm sắp vào vụ thu hoạch chính như chè khô sẽ tồn đọng khoảng 700 tấn, tôm khoảng 400 tấn, hàu cửa sông 3.000 tấn và các loại thủy sản khai thác khoảng 2.500 tấn.
Trong khi đó, việc tiêu thụ hiện nay chủ yếu còn nhỏ lẻ, tại các chợ lớn và siêu thị trên địa bàn tỉnh. Một số đơn vị ngành than đã đưa ngao, hàu… vào bếp ăn tập thể nhưng sản lượng còn thấp, chỉ khoảng 10 tấn.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì cuộc họp gỡ khó cho tiêu thụ nông sản. Ảnh: QMG |
Tại cuộc họp, các đơn vị, sở, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ việc tiêu thụ nông sản, chú trọng đến các loại nông sản đang tồn đọng với số lượng lớn như: Ngao 2 cùi, hàu Thái Bình Dương, trứng gà, sứa… Trong đó, giải pháp tình thế trước mắt là tiếp tục kết nối đưa các nông sản vào hệ thống siêu thị Big C, Vinmart… tiếp tục phối hợp với các đơn vị ngành than thực hiện tiêu thụ nông sản, nhất là với sản phẩm có nguy cơ tồn đọng do dịch Covid-19. Chủ động tìm kiếm các thị trường mới, tận dụng tốt thời cơ các Hiệp định thương mại (đặc biệt là Hiệp định EVFTA) để đẩy mạnh tiêu thụ. Đồng thời, để tiêu thụ nông sản lâu dài, cần chuyển hướng sang chế biến, sơ chế, bảo quản đông lạnh để đảm bảo chất lượng cũng như kéo dài thời gian sử dụng.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Đặng Huy Hậu yêu cầu: đối với sản phẩm trứng gà, hàu, ngao hai cùi cần tích cực đưa vào tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị tiêu thụ xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản dài hạn để cơ sở chủ động cung cấp về số lượng và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Công thương tích cực tìm kiếm thị trường, kêu gọi các đối tác trong và ngoài tỉnh tiêu thụ nông sản, tập trung đưa vào các siêu thị lớn. Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất với tỉnh cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với các đơn vị cấp đông, sơ chế, chế biến các mặt hàng thủy sản. Đối với sứa, tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo huyện Cô Tô khuyến cáo người dân hạn chế khai thác. Đồng thời, yêu cầu ngành công thương tiếp tục liên hệ với các cơ sở chế biến sứa trong và ngoài tỉnh để hợp tác tiêu thụ lượng hàng tồn đọng.