Tài chính - Chứng khoán
Áp dụng T+0, chờ thêm 1 năm nữa
Hữu Đạo - 17/06/2016 09:31
Không như kỳ vọng của thị trường, cũng như giới đầu tư là giao dịch trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về sẽ được triển khai trong năm nay, khi Thông tư 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán chỉ còn hai tuần nữa là có hiệu lực, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, ít nhất đến năm 2017, hai nghiệp vụ này mới được triển khai.
UBCK dự kiến sẽ cho phép nhà đầu tư bán chứng khoán chờ về trước khi triển khai nghiệp vụ T+0

Cuối năm 2015, khi Thông tư 203/2015 được Bộ Tài chính ban hành, trong đó lần đầu tiên mở ra cơ chế cho phép triển khai nghiệp vụ T+0 và bán chứng khoán chờ về, giới đầu tư và các công ty chứng khoán đã không giấu được sự hưng phấn. Họ coi đây là bước cải cách đáng kể về cơ chế giao dịch trên thị trường sau hơn 16 năm vận hành.

Đây cũng  là lý do suốt 6 tháng qua, giới đầu tư chờ đợi thời điểm Thông tư 203/2015 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2016), với mong mỏi T+0 và bán chứng khoán chờ về sẽ được triển khai sớm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, mỗi khi muốn triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới, vấn đề nhà quản lý lo lắng là việc các công ty chứng khoán chậm trễ trong đáp ứng đồng bộ các yêu cầu về quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Nói cách khác, một khi các yếu tố mang tính chất quyết định này chưa được đáp ứng, thì không thể mạo hiểm, vội vàng triển khai các sản phẩm mới, bởi tiềm ẩn rủi ro cho cả thị trường, nhà đầu tư lẫn các công ty chứng khoán.

Trước đây, khi một số thị trường khác triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ có tính rủi ro cao, họ không loại trừ khả năng đánh đổi dưới hình thức cho thị trường chứng khoán tạm ngưng giao dịch nếu gặp bất ổn, hoặc diễn biến bất lợi, còn với thị trường chứng khoán nước ta thì không. Do đó, càng phải thận trọng, chặt chẽ hơn trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới.

“Bán chứng khoán chờ về, thực chất là cho phép bán khống có đảm bảo, khác hẳn với bán khống thuần túy, vì nó cho phép nhà đầu tư vay mượn chứng khoán để bán. Điều này đòi hỏi sự sẵn sàng của hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL) của Trung tâm lưu ký (VSD)”, ông Sơn nói.

Liên quan đến nghiệp vụ bán khống, đại diện UBCK cho biết thêm, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, nhiều quốc gia, trong đó có các thị trường chứng khoán phát triển lâu đời và vững mạnh thuộc Liên minh châu Âu đã cấm bán khống. Lý do nhiều thị trường “nói không” với bán khống, vì đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng tài chính.

Động thái này nhằm giảm thiểu rủi ro cho thị trường, bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ngày càng nhạy cảm hơn trước các yếu tố bất định của kinh tế thế giới. Đây cũng là một trong những lý do nhà quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam thận trọng hơn trong triển khai các nghiệp vụ như T+0, bán chứng khoán chờ về.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán đang niêm yết nhìn nhận, đành rằng nghiệp vụ T+0 chưa thể triển khai ngay sau thời điểm Thông tư 203/2015 có hiệu lực vì cả VSD và các công ty chứng khoán phải xây dựng hệ thống. Tuy nhiên, với nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về, chỉ cần VSD triển khai hệ thống không quá phức tạp là vận hành được, vậy tại sao lại chưa thể áp dụng trong năm nay như thông tin UBCK từng cho biết?

Theo ông Sơn, đúng là việc triển khai nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về đơn giản hơn về mặt chuẩn bị hệ thống hạ tầng công nghệ, cũng như các khâu kết nối với các công ty chứng khoán so với nghiệp vụ T+0. Tuy nhiên, để cho phép nhà đầu tư bán chứng khoán chờ về, đòi hỏi cần phải có thời gian để VSD triển khai hệ thống hạ tầng. Do đó, dự kiến năm 2017 mới có thể đưa vào áp dụng hai nghiệp vụ mới này.

“Trong đó, chúng tôi dự kiến sẽ cho phép nhà đầu tư bán chứng khoán chờ về trước khi triển khai nghiệp vụ T+0”, ông Sơn cho hay.

Thông tin từ VSD cho biết, việc chuẩn bị hệ thống hạ tầng công nghệ, cũng như quy trình nghiệp vụ cho triển khai bán chứng khoán chờ về và T+0 đang được tiến hành ở khâu nghiên cứu kinh nghiệm, thông lệ quốc tế. Trên cơ sở đó căn cứ vào điều kiện cụ thể của thị trường chứng khoán Việt Nam, VSD sẽ đề xuất phương án xây dựng hệ thống hạ tầng tối ưu. Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị các công việc liên quan, VSD sẽ báo cáo Bộ Tài chính, UBCK cho phép trước khi triển khai.

Tin liên quan
Tin khác