- Góc nhìn khác về Nghị định 65 phát hành trái phiếu riêng lẻ
- Họp nóng với Bộ Tài chính: Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin gỡ cơ chế
- Bài toán cứu doanh nghiệp và nỗi ám ảnh hiệu ứng tuyết lở - Kỳ 1: Doanh nghiệp suy kiệt nguồn vốn
- Bài toán cứu doanh nghiệp và nỗi ám ảnh hiệu ứng tuyết lở - Kỳ 2: Thị trường bấu víu từng tia sáng le lói
Phát biểu tại Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” do Tạp chí tài chính Doanh nghiệp tổ chức sáng 30/11, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB) cho rằng, áp lực trái phiếu đáo hạn một phần có nguyên nhân từ các công ty chứng khoán và ngân hàng.
“Các tổ chức này, để bán được trái phiếu, họ hứa với nhà đầu tư sẽ mua lại trong 3-6 sau khi phát hành. Đến khi trái chủ yêu cầu mua lại thì họ không mua hoặc không đủ năng lực mua. Nhưng nếu đẩy trách nhiệm này cho nhà phát hành thì không đúng quy định, bởi thời hạn phát hành thường ít nhất là 1 năm”, ông Danh nhận định.
Để giúp doanh nghiệp giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, ông Mã Thanh Danh đề xuất 3 nhóm giải pháp.
Trước hết phải tính toán khả năng từ nội tại chính doanh nghiệp. Nếu không đủ tiền, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại.
Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, doanh nghiệp có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn. Trong trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Riêng với doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém quả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, doanh nghiệp buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ. Đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối…
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tìm giải pháp từ bên ngoài thị trường. Thị trường chứng khoán đang phục hồi là cơ hội để doanh nghiệp có thể tính toán phương án huy động vốn qua thị trường này để thanh toán trái phiếu. Thậm chí họ có thể bán bớt cổ phiếu quỹ để thu tiền về.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là cần nguồn vốn trung và dài hạn để phát triển, sau khi không huy động được bằng kênh cổ phiếu và vay ngân hàng. Vì thế, thị trường Việt Nam rất cần những ngân hàng đầu tư (Investment Banking) có nguồn vốn lớn cho vay trung và dài hạn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, họ sẽ đồng hành lâu dài bằng cách chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường chứng khoán cũng chưa được nâng hạng. Khi thị trường được nâng hạng sẽ đón thêm nhiều dòng vốn lớn đổ vào, giúp doanh nghiệp đỡ áp lực về nguồn vốn.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. Đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu ra gặp nhiều rủi ro khi đầu tư trái phiếu là đầu tư theo tin đồn, đồng thời do thông tin thiếu minh bạch.
“Một phần nguyên nhân khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp là do những công ty phát hành công bố thông tin sai sự thật, thông tin giả, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, không có tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định, không có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán”, ông Hưng nói.
Theo chuyên gia này, ngoài doanh nghiệp phát hành, các đơn vị môi giới, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán cần minh bạch hơn trong quá trình tư vấn phát hành trái phiếu. Thậm chí, nhiều đơn vị hoạt động môi giới đầu tư trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép.
Các công ty chào bán không tuân thủ quy định, chưa xác nhận minh bạch thông tin đơn vị phát hành trái phiếu. Thậm chí, các đơn vị tư vấn và đại lý phát hành đã có động thái để “hỗ trợ” nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ để thu hút dòng tiền.
Trên thị trường thế giới, các nhà đầu tư chủ yếu đầu tư thông qua quỹ mở với đội ngũ chuyên nghiệp. Các đơn vị này sẽ đầu tư những trái phiếu tốt, có độ an toàn cao, giúp nhà đầu tư linh hoạt trong thoát vốn.Trên thế giới, quỹ mở chiếm 80% giá trị đầu tư chứng khoán với tổng giá trị năm 2020 là 44.000 tỷ USD. Trong đó, đầu tư trái phiếu chiếm khoảng 45%. Tại Việt Nam, quy mô quỹ mở còn thấp, chỉ chiếm 0,5% GDP trong năm 2022.
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp nở rộ ở nước ta giai đoạn vừa qua, chủ yếu là trái phiếu bất động sản của doanh nghiệp chưa niêm yết. Trong khi đó, nền kinh tế hiện nay đang có xu hướng thâm dụng vốn. Trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ tổng vốn trên doanh thu vượt 122%, nghĩa là các công ty niêm yết đang dùng vốn nhiều hơn để tạo ra doanh thu.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những dấu hiệu để nhận định trái phiếu doanh nghiệp an toàn là lãi suất cao không quá 30% so với lãi suất cho vay ngân hàng. Những công ty phát hành là công ty cổ phần đại chúng niêm yết hoặc được tổ chức xếp hạng uy tín đánh giá AAA.
“Nhà đầu tư nên tìm hiểu những công ty nổi tiếng, nằm trong top 500 doạnh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Các công ty này thường phát hành trái phiếu với lãi suất nằm giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại hoặc cao hơn tối đa 4%, tính đến thời điểm hiện tại lãi suất có thể nằm ở mức 14% trở xuống. Như vậy, mức lãi suất này cho thấy tính ổn định và tương đối an toan, giảm tỷ lệ rủi ro cho nhà đầu tư”, chuyên gia này khuyến nghị.
Thực tế, trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta giai đoạn trước năm 2020 có lãi suất và quy mô phù hợp. Giai đoạn 2020-2022 xuất hiện nhiều công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ có lãi suất cao, tức đã tiềm ẩn rủi ro.
“Hiện tại, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và hỗ trợ cho các công ty sản xuất kinh doanh”, ông Hiển đề xuất.