Y tế - Sức khỏe
Áp lực điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM
D.Ngân - 11/07/2021 12:23
Hàng nghìn ca mắc Covid-19 được phát hiện trong ngày đang gây áp lực rất lớn cho hệ thống cách ly, điều trị của ngành Y tế TP.HCM.

Theo dõi sát diễn biến bệnh

Với số ca mắc Covid-19 tăng cao, TP.HCM đang áp dụng mô hình điều trị 3 tầng. Theo đó, tầng 1 là các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng với quy mô 5.000 giường (có thể tăng lên đến 10.000 giường nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp).

TP.HCM đang áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng do số ca mắc Covid-19 tăng cao

Tầng 2 là các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 có triệu chứng với quy mô 4.000 giường, và tầng 3 là các bệnh viện chuyên hồi sức chuyên sâu đối với các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch với quy mô 1.000 giường.

Được biết, mô hình điều trị "tháp 3 tầng" tại những vùng dịch trước đây như Hải Dương, Bắc Ninh (tưởng tượng hệ thống điều trị như một tòa tháp 3 tầng).

Bệnh nhân Covid-19 mới phát hiện sẽ được đưa vào tầng 2 (khu vực theo dõi và sàng lọc). Sau khoảng 7 - 8 ngày không có biểu hiện bất thường, các bệnh nhân sẽ được chuyển xuống tầng 1 (nơi cách ly chờ ra viện). Trường hợp được phát hiện có xu hướng diễn biến nặng sẽ ngay lập tức được chuyển lên tầng 3 (khu vực điều trị và hồi sức tích cực).

Trong tất cả đợt dịch xảy ra trước đây, ngành Y tế Việt Nam đều kiểm soát F0 ngay từ đầu, qua đó khống chế được số ca diễn biến nặng, tránh gây quá tải hệ thống hồi sức. 

Chúng ta cũng chưa từng để xảy ra tình trạng thiếu máy thở, oxy hay nhân viên y tế kiệt sức, không thể chăm sóc bệnh nhân. Nhờ vậy, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam khá thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đợt dịch lần này xảy ra trên diện rộng, số bệnh nhân lớn hơn, từ đó đòi hỏi hệ thống điều trị phải nỗ lực nhiều hơn để giữ được thành quả.

Nói về điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP,HCM, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, yếu tố sàng lọc, phân tầng bệnh nhân sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, việc này cũng vấp phải không ít khó khăn.

Theo chuyên gia, các bệnh nhân khi mới mắc Covid-19 có thể biểu hiện triệu chứng hoặc không. Đa số bệnh nhân sau 7 ngày sẽ bước sang giai đoạn hồi phục. Dù vậy, vẫn có nhiều trường hợp ban đầu không có triệu chứng đáng kể nhưng sau khoảng 7 - 8 ngày lại diễn biến nặng, thậm chí tử vong.

Như vậy, chỉ sau ngày thứ 8 hoặc 9, các y bác sĩ mới có thể xác định được bệnh nhân nào không triệu chứng, diễn biến nhẹ và ai sẽ rơi vào tình trạng nặng để phân loại, sàng lọc.

Tuy nhiên, vấn đề chưa dừng lại ở đó. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân Covid-19 khởi phát bệnh mà không có bất cứ triệu chứng nào. Lúc này, các nhân viên y tế sẽ không thể xác định được đâu là ngày thứ 7 - 8 của bệnh.

Chiến lược sàng lọc là cần coi những bệnh nhân vừa được phát hiện nhiễm virus trong tuần đầu tiên sẽ có nguy cơ diễn biến nặng, từ đó theo dõi sát và sàng lọc những dấu hiệu cụ thể.

Đồng thời đặc biệt chú trọng tại thời điểm ngày thứ 7 - 8. Sau đó, với những người không có dấu hiệu diễn biến xấu qua ngày thứ 8, chúng ta có thể coi họ là bệnh nhân diễn biến nhẹ, không cần điều trị thêm và đưa đi cách ly chờ hồi phục để giảm tải cho các bệnh viện.

Phân tích khó khăn lớn nhất trong điều trị bệnh nhân Covid-19 ở thời điểm hiện tại, vị chuyên gia này đánh giá, nhiều bác sĩ còn nhầm lẫn, cho rằng bệnh nhân Covid-19 khi nhập viện không có hoặc xuất hiện triệu chứng nhẹ là nguy cơ thấp, từ đó xếp họ vào khu vực không được theo dõi sát, dẫn đến phát hiện diễn biến nặng muộn.

Khó khăn tiếp théo là để nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo diễn biến nặng, các bác sĩ phải xét nghiệm đánh giá về đông máu, miễn dịch, đồng thời nắm được cách phiên giải phù hợp kết quả xét nghiệm này.

Tuy nhiên, Covid-19 vẫn là một căn bệnh mới, nhiều cơ sở y tế chưa từng thực hiện các xét nghiệm này dẫn đến việc bác sĩ còn thiếu kinh nghiệm trong việc nhận định, phiên giải. Lúc này, bệnh nhân khi có biểu hiện lâm sàng nặng như khó thở, sốc mới được phát hiện khiến việc điều trị giảm hiệu quả.

Ngoài ra, theo bác sĩ Cấp, một số trường hợp hoàn toàn không có biểu hiện khó thở dù bị tổn thương phổi nặng, suy hô hấp. Tình trạng này còn được gọi là “thiếu oxy yên lặng”.

“Bác sĩ điều trị những bệnh nhân này nếu không có kinh nghiệm và chưa đảm bảo đủ thiết bị đo độ bão hòa oxy máu có thể sẽ bỏ sót, dẫn đến tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong”, ông khẳng định.

Do vậy chuyên gia cho hay, chúng ta cần điều chỉnh công tác tổ chức hợp lý thời gian tới, cụ thể là xếp các bệnh nhân Covid-19 trong tuần đầu tiên sau khi phát hiện nhiễm virus vào nhóm nguy cơ diễn biến nặng, từ đó theo dõi sát dấu hiệu của họ.

Giảm tải cách ly

Với số ca mắc lên tới 4 con số/ngày, các khu cách ly tập trung của TP.HCM đối diện với nguy cơ quá tải.

Hôm nay là ngày thứ ba thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM. Đây là thời gian then chốt để TP.HCM triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tuân thủ các nội dung của giãn cách xã hội, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết.

Với số ca mắc lên tới 4 con số/ngày, các khu cách ly tập trung của TP.HCM đối diện với nguy cơ quá tải

Tính đến trưa ngày 11/7, hơn 12.000 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. Để phòng chống dịch Covid-19, TP.HCM đã phân loại các vùng nguy cơ để triển khai xét nghiệm. Đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa) lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm.

Khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần). 

Các khu vực khác, thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình, trong phòng là người có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên trong gia đình, trong phòng hoặc người được phép đi ra ngoài nhà. 

Các quận huyện lên kế hoạch lấy mẫu để được điều phối phù hợp với năng lực xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả xét nghiệm sớm để phục vụ công tác điều tra, truy vết.

TP.HCM đang cách ly 54.135 trong đó 15.260 người đang cách ly tập trung, 38.875 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú. TP cũng tổ chức mở rộng khu cách ly TP với sức chứa đạt 50.000 giường. Đồng thời thí điểm tổ chức thực hiện cách ly F1 tại nhà. 

Với đà này, một số chuyên gia dự báo các khu cách ly tập trung sẽ bị quá tải. Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, khi kiểm tra một số cơ sở cách ly tập trung tại TP.HCM cơ quan chức năng đã thừa nhận, việc bố trí các vị trí giường xếp trong các phòng cách ly chưa bảo đảm khoảng cách; phòng vệ sinh sử dụng chung chưa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. 

Có sự tiếp xúc giữa các công dân cách ly ở các phòng khác nhau khi sử dụng chung nhà tắm, nhà vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. 

Việc bố trí F0 trước khi chuyển viện không hợp lý, có nguy cơ lây nhiễm cao vì dùng chung nhà vệ sinh với người cách ly khác.

Thực tế đã minh chứng lây nhiễm trong khu cách ly tập trung rất lớn nếu cơ sở quá tải. Chưa kể, do hiện thời gian cách ly kéo dài cộng với tâm lý mệt mỏi, đề phòng của người dân nên ông Hùng cho hay, cần triển khai nhanh hơn nữa cách ly các trường hợp F1 tại nhà để đỡ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, đỡ tốn kém kinh phí và đỡ khổ cho người bị cách ly. 

Trước đó, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho hay, thời gian tới, trên cơ sở đánh giá thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM, Bộ Y tế sẽ tổng kết những điểm vướng mắc, thiếu sót, chưa phù hợp thực tế để sửa đổi, bổ sung hướng dẫn và áp dụng chính thức.

Đồng thời, theo bà Hương, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.

Cho rằng yêu cầu mà Bộ Y tế đưa ra về điều kiện cơ sở vật chất khi cách ly tại nhà F1 là khó thực hiện tại các thành phố lớn, ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất nới lỏng quy định, chỉ cần F1 có phòng riêng khép kín, cam kết không vi phạm, lắp camera giám sát thì được ở nhà.

Đồng thời, theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, ngành Y tế cần mở rộng cho phép cách ly F1 tại nhà với các khu chung cư. Rủi ro lớn nhất ở chung cư là dễ lây nhiễm qua thang máy, điều hòa trung tâm. Vì vậy, với các chung cư có điều hòa trung tâm, sẽ không áp dụng biện pháp này. Còn lại, các hộ gia đình ở chung cư, có phòng riêng biệt, khép kín đều nên được cách ly tại nhà.

Theo Bộ Y tế, tính từ 6h đến 12h ngày 11/7 có 633 ca mắc mới. Tính đến 12h ngày 11/7, Việt Nam có tổng cộng 27.185 ca ghi nhận trong nước và 1.918 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 25.615 ca, trong đó có 6.430 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tin liên quan
Tin khác