Đợt dịch lần này nhiều bệnh nhân triệu chứng nhẹ song đã diễn biến nặng lên rất nhanh, gây khó khăn cho điều trị |
Hàng trăm bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị, trong đó nhiều bệnh nhân dù còn trẻ nhưng diễn biến nhanh đang là nỗi lo với hệ thống điều trị bệnh nhân Covid-19.
Theo đó, nếu như đợt dịch tại Đà Nẵng, Việt Nam ghi nhận 35 ca Covid-19 tử vong, trong đó đều là bệnh nhân có bệnh nền thì nay trong đợi dịch tại Bắc Giang, nhiều bệnh nhân trẻ có triệu trứng nặng, trong đó ca bệnh nữ công nhân 38 tuổi mắc Covid-19 tử vong chỉ sau vài ngày mắc Covid-19 và không hề có bệnh nền kèm theo đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại.
BS CKII. Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, đội trưởng Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bắc Giang cho hay bản thân anh rất áp lực vì những ca bệnh của Bắc Giang diễn biến nặng tăng nhanh và các bệnh nhân còn trẻ quá.
Theo chuyên gia, thời điểm anh vào Đà Nẵng chống dịch, những ca bệnh nặng thì đều cao tuổi và có bệnh nền, không có ca trẻ, trẻ nhất là hơn 40 tuổi.
Đợt đó, bệnh nhân trẻ gần như là không có triệu chứng, không có hình ảnh tổn thương phổi hoặc phải chụp CT mới thấy rõ tổn thương. Còn lần này tại Bắc Giang, chỉ mấy ngày sau chụp Xquang là thấy phổi trắng xóa. Ca tử vong ở Bắc Giang bệnh nhân trẻ quá, con mới 6 tuổi.
Theo lời bác sĩ Linh, từ khi tới Bắc Giang anh đã tiếp nhận 3 ca phải thở máy, lọc máu liên tục, 7 ca thở oxy dòng cao. Vì thế, công tác hồi sức tích cực lần này khó hơn vì ranh giới bệnh nhân nặng diễn tiến tới nguy kịch rất nhanh. Nên nếu không theo dõi sát, không chủ động thì tử vong dễ xảy ra.
“Dù khó khăn hơn nhiều song chúng tôi nỗ lực phải cứu bằng được các bệnh nhân, kiên quyết không để bệnh nhân tử vong”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Bác sĩ Linh cũng cho biết, chính vì những áp lực điều trị nên anh phân công, bố trí rất cụ thể để lúc nào tại khu ICU cũng có các y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Về việc tiếp nhận, phân luồng bệnh nhân, theo lời bác sĩ Linh, Bệnh viện Phổi Bắc Giang nhận tất cả các ca phải thở oxy ở các bệnh viện dã chiến vì các bệnh viện dã chiến không đủ điều kiện cơ sở vật chất để điều trị.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, từ ngày 27/4 cả nước đã có 12 ca tử vong do Covid-19, số ca mắc tăng nhanh, 10% chuyển nặng và rất nặng.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị có gần 50% không có biểu hiện lâm sàng, 40% có biểu hiện lâm sàng nhẹ, số còn lại là tiên lượng nặng, nguy kịch (hơn 200 ca).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, gần 80% bệnh nhân ít triệu chứng, cơ thể ít biến đổi như sốt không cao, ít mệt mỏi, viêm phổi chưa biểu hiện. Điều đáng nói nhiều bệnh nhân triệu chứng nhẹ như vậy song đã diễn biến nặng lên rất nhanh, gây khó khăn cho điều trị.
"Các chuyên gia vừa hội chẩn một bệnh nhân có nồng độ oxy trong máu (SpO2) ở mức 99% (nghĩa là bình thường) nhưng nhịp thở tăng lên, tình trạng khó thở cũng tăng nên phải chỉ định đặt oxy trợ giúp", ông Khuê dẫn chứng.
Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay, chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.
Trong một diễn biến liên quan, vừa qua Bộ Y tế đã có văn bản gửi các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 trong đó nhấn mạnh hiện một số địa phương chưa có sự chuẩn bị tốt về năng lực hồi sức cấp cứu, nên khi có ca bệnh nặng đã lúng túng trong xử lý, hoặc chuyển ngay tuyến trên, gây áp lực và quá tải cho bệnh viện tuyến cuối.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho đây là "thách thức nghiêm trọng" và đề nghị các tỉnh thành khẩn trương củng cố trang thiết bị, cơ sở vật chất, khí nén, vật tư tiêu hao, năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện tỉnh và bệnh viện được phân công.
Các tỉnh, thành phố chưa có ca bệnh đề nghị cử ngay kíp điều trị đi đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng phê bình các bệnh viện được phân công điều trị Covid-19 của một số tỉnh, thành phố đã thiếu chủ động trong cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân, trong điều trị ca bệnh Covid-19. Yêu cầu các sở y tế báo cáo diễn biến điều trị hằng ngày trên phần mềm trực tuyến cdc.kcb.vn theo hướng dẫn của Cục Quản lý khám chữa bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu mỗi tỉnh chuẩn bị sẵn sàng phương án phân công ít nhất một bệnh viện làm bệnh viện dã chiến, căn cứ theo quy mô dân số địa phương. Trong đó bố trí khu cấp cứu, khu hồi sức tích cực và chuẩn bị đủ trang thiết bị y tế.