Bệnh nhân có mã số 4807 nữ, 38 tuổi, là công nhân khu công nghiệp. Bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, rát họng, mệt mỏi; được làm xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng (Bắc Giang) ngày 17/5/2021.
Bệnh nhân có mã số 4807 nữ, 38 tuổi, là công nhân khu công nghiệp. |
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp. Tối 22/5 bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng: ho, tức ngực, khó thở, đau rát họng, phổi thông khí giảm hai bên.
Chẩn đoán khi vào viện: Viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp. Bệnh nhân được xử trí thở ôxy mặt nạ, điều trị kháng sinh, kháng viêm.
Khoảng 12h ngày 23/5 bệnh nhân diễn biến nặng hơn, tức ngực khó thở nhiều, chụp XQ cho thấy phổi tổn thương lan tỏa hai bên, được cấp cứu thở ô xy dòng cao HFNC.
Đến 22h bệnh nhân suy hô hấp nặng hơn. Qua hội chẩn với Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục hồi sức. Nhưng tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu hơn, ngừng tuần hoàn, cấp cứu ngừng tuần hoàn không có kết quả.
Bệnh nhân tử vong lúc 4 giờ 30 phút ngày 24/5 với chẩn đoán tử vong là sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển ARDS.
Trường hợp nữ bệnh nhân 38 tuổi không có bệnh nền tử vong sau khi mắc Covid-19 đã cho thấy, ngay cả người trẻ cũng không thể chủ quan.
Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp từng dẫn chứng, ngay từ đầu vụ dịch, tại Vũ hán đã ghi nhận bác sĩ Lý Văn Lượng mới 34 tuổi vẫn bị tử vong. Sau đó một loạt những người nổi tiếng khỏe mạnh như nữ cầu thủ Elham Sheikhi của Iran tử vong ở tuổi 23, lực sĩ Victor Luna ở Brazil qua đời vì Covid-19 ở tuổi 37; hay lực sĩ đa tài Dmitriy Stuzhuk ở Ukraina, một người không chịu tin rằng có bệnh Covid-19 đã qua đời vì chính bệnh này ở tuổi 33.
Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trước hết là cơ địa, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật. Sau nữa phụ thuộc vào diễn biến và độc lực của từng chủng virus.
Chuyên gia cũng phân tích tình trạng bệnh, nguy cơ tử vong cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng chẩn đoán, điều trị của các thầy thuốc, khả năng cung cấp về giường bệnh, nhân lực, oxy, thuốc men và trang bị hồi sức cấp cứu của hệ thống y tế.
Đây là ca bệnh thứ 9 của làn sóng dịch lần này. Trước đó, sáng 24/5 Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo ca tử vong thứ 43 là bệnh nhân 3015 (nam, 50 tuổi) có tiền sử xơ gan do uống rượu nhiều năm. Bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 5/5.
Trước khi được xác định mắc Covid-19, ông đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương do có biểu hiện sốt cao, rét run, da mắt vàng, bụng chướng, rối loạn tiêu hoá. Sau 5 ngày điều trị tại cơ sở y tế này, tình trạng sức khỏe của bệnh nhận không cải thiện.
Ngày 25/4, ông được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, xơ gan cổ trướng.
Tại đây, ông được điều trị hồi sức tích cực bằng thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh, truyền máu, lợi tiểu, lợi mật, nhuận tràng nhưng không đỡ. Tình trạng bệnh nhân tiến triển xấu dần, đi vào sốc nhiễm khuẩn, xuất huyết tiêu hoá, cổ chướng ngày càng tăng và suy đa tạng.
Ngày 21/5, bệnh nhân được hội đồng chuyên môn quốc gia hội chẩn kết luận tình trạng bệnh nhân nguy kịch, tiên lượng tử vong cao.
Bệnh nhân tiếp tục được điều trị hồi sức tích cực chống sốc, thở máy, lọc máu liên tục, truyền máu, phối hợp kháng sinh phổ rộng, kháng nấm, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Dù vậy, ông sốt cao liên tục, không đáp ứng điều trị và tử vong vào đêm 23/5.