Ngày 11/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng trong ngày ở mức 24.046 VND/USD, tăng 10 VND/USD so với ngày niêm yết trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá được phép giao dịch trong khoảng từ 22.844 VND/USD đến 25.248 VND/USD.
Tại các ngân hàng, tỷ giá USD cũng đồng loạt tăng mạnh. Tại Vietcombank, tỷ giá USD đầu giờ sáng giảm 10 VND/USD so với hôm qua, giao dịch ở mức 24.780 VND/USD (mua chuyển khoản) và 25.120 VND/USD (bán ra). Tuy nhiên, đến 9h30 sáng, tỷ giá đều đồng loạt tăng lên thêm 30 VND/USD.
Trong khi đó, ở hầu hết các ngân hàng, tỷ giá USD tăng mạnh ngay từ đầu giờ sáng. Ở chiều bán ra, hầu hết các ngân hàng đang yết tỷ giá quanh mức 25.150 – 25.160 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá mua vào có sự chênh lệch khá lớn ở các ngân hàng. VietinBank yết tỷ giá mua chuyển khoản ở mức 24.730 VND/USD. Trong khi đó, một số ngân hàng tư nhân như ACB, Sacombank mua USD quanh mức giá 24.860 VND/USD.
Trên thị trường tự do, khảo sát tại một số cửa hàng, USD tăng mạnh với giá thu mua đã vượt trên 25.500 đồng/USD. Giá USD tự do phổ biến ở mức 25.505 đồng(mua vào) và 25.585 đồng (bán ra).
Tỷ giá tăng nóng do áp lực từ cú bật tăng bất ngờ của USD trên thị trường quốc tế trước các biến số vĩ mô mới. Chỉ số US Dollar Index (DXY) bứt lên vượt mốc 105 điểm sau khi số liệu lạm phát Mỹ tháng 3 “nóng” hơn dự kiến. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 đã tăng 0,4% so với tháng trước và 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số trên cao hơn nhiều mức 3,2% của tháng 2 và đều cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của các nhà kinh tế.
Cùng đó, áp lực đáo hạn tín phiếu cũng ảnh hưởng sức mạnh đồng nội tệ. Hôm qua (10/4), NHNN đã chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất với giá trị phát hành 4.000 tỷ đồng, lãi suất 2,9%/năm. Có 5 thành viên tham gia, trong đó cả 5 thành viên trúng thầu. Từ 8/4, sẽ có một lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đều đặn đáo hạn. Với 15.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, NHNN vẫn đang bơm ròng ra thị trường hôm 10/4.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) bứt lên vượt mốc 105 điểm |
Dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến sẽ làm phức tạp thêm động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong nỗ lực đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Theo ông Seema Shah, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Principal Asset Management, dữ liệu CPI quan trọng có thể đã quyết định số phận của cuộc họp FOMC tháng 6 với việc hạ lãi suất hiện rất khó xảy ra… Thực tế, từ trước đó, đã có những ý kiến của quan chức Fed cho thấy sự thận trọng trong quyết định hạ lãi suất điều hành.
Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis từng nhắc tới khả năng “không cần phải cắt giảm lãi suất trong năm nay nếu lạm phát vẫn ở mức ổn định”. Còn quan điểm của Chủ tịch Fed Jerome Powell nêu rằng Fed cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang tiến tới mục tiêu 2% một cách bền vững trước khi cắt giảm lãi suất.
Cùng đó, trong phát biểu mới đây, Thống đốc BOJ loại trừ khả năng ứng phó với đồng yên yếu bằng việc tăng lãi suất, càng khiến đồng yên Nhật trượt sâu. Hiện tỷ giá đã vọt lên cao kỷ lục (152,8 yên đổi 1 USD).
Theo công cụ giám sát biến động lãi suất FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đặt cược vào khả năng Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 6/2024 với tỷ lệ gần 81,5%. Trong khi tỷ lệ đặt cược tháng trước thường "quá bán" cho rằng sẽ hạ 25 điểm cơ bản.