Bà Michelle Bowman, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ảnh: AFP) |
Lưu ý đến một số rủi ro tiềm ẩn đối với lạm phát, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng các nhà hoạch định chính sách của cơ quan này cần phải thận trọng nhằm tránh nới lỏng chính sách quá nhanh.
"Mặc dù đó không phải là triển vọng cơ bản mà tôi đưa ra, nhưng tôi vẫn nhận thấy rủi ro rằng tại cuộc họp sắp tới, chúng tôi có thể cần phải tăng lãi suất chính sách hơn nữa nếu tiến trình kiềm chế lạm phát bị đình trệ hoặc thậm chí đảo ngược", bà Bowman phát biểu hôm 5/4 trước Ủy ban Thị trường mở Bóng tối (SOMC) - một tổ chức độc lập đánh giá các quyết định chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC).
"Việc giảm lãi suất chính sách của chúng tôi quá sớm hoặc quá nhanh có thể dẫn đến lạm phát tăng trở lại, đòi hỏi phải tăng lãi suất chính sách trong tương lai để đưa lạm phát về mức 2% trong thời gian dài hơn", Thống đốc Fed nhận định.
Với tư cách là thành viên của Hội đồng Thống đốc Fed, Thống đốc Bowman là thành viên bỏ phiếu thường trực của FOMC - cơ quan ấn định lãi suất của Fed. Kể từ khi nhậm chức vào cuối năm 2018, các bài phát biểu trước công chúng của Thống đốc Bowman đã định hình quan điểm "diều hâu" của bà hơn đối với FOMC, nghĩa là bà ủng hộ quan điểm tích cực tăng thêm lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Thống đốc Bowman cho biết kết quả dự tính rất có thể xảy ra vẫn là "việc hạ lãi suất cuối cùng sẽ trở nên phù hợp", mặc dù bà lưu ý rằng "chúng tôi vẫn chưa đến mức" phải cắt giảm vì "tôi vẫn nhận thấy một số rủi ro đối với lạm phát".
Bài phát biểu của Thống đốc Bowman trước Ủy ban Thị trường mở Bóng tối (SOMC - một tổ chức độc lập đánh giá các quyết định chính sách của FOMC) khiến thị trường lo ngại tương lai ngắn hạn của chính sách tiền tệ mà Fed đưa ra. Các tuyên bố trong tuần này từ nhiều quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, đã chỉ ra cách tiếp cận thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất. Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic, một thành viên bỏ phiếu của FOMC, nói với đài CNBC rằng có thể sẽ chỉ thực hiện 1 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho biết sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào có thể xảy ra nếu lạm phát không giảm tốc thêm.
Các nhà giao dịch hợp đồng tương lai đang kỳ vọng Fed thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay như Fed đã dự liệu, mặc dù khả năng cao là khoảng tháng 6 đến tháng 7 Fed mới có thể bắt đầu giảm lãi suất.
Tháng trước, các thành viên FOMC cũng đã đưa ra 3 đợt cắt giảm trong năm nay, mặc dù một quan chức giấu tên trong "biểu đồ chấm" - biểu đồ dự báo các mức cắt giảm lãi suất của các quan chức Fed - cho thấy sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào cho đến năm 2026 và có sự phân tán đáng kể về mức độ hành động quyết liệt của Fed.
"Trước những rủi ro và sự không chắc chắn liên quan đến triển vọng kinh tế của tôi, tôi sẽ tiếp tục theo dõi dữ liệu một cách chặt chẽ khi đánh giá đường đi phù hợp của chính sách tiền tệ và tôi sẽ thận trọng trong cách tiếp cận của mình để xem xét những thay đổi trong quan điểm chính sách trong tương lai", Thống đốc Bowman khẳng định.
Đề cập đến rủi ro lạm phát, Thống đốc Bowman cho rằng những cải thiện về phía cung đã kéo giảm những số liệu từ đầu năm đến nay, có thể không mang lại tác động tương tự trong tương lai. Hơn nữa, bà Bowman cho rằng rủi ro địa chính trị và kích thích tài chính là những mối nguy hiểm tiềm ẩn khác, cùng với giá nhà ở tăng lên và sự thắt chặt của thị trường lao động.
Thống đốc Bowman đánh giá: "Các chỉ số lạm phát trong hai tháng qua cho thấy diễn biến có thể không đồng đều hoặc chậm hơn trong tương lai, đặc biệt là đối với các dịch vụ cốt lõi".
Chắc chắn, các quan chức Fed sẽ tham khảo thêm số liệu lạm phát (chỉ số CPI) tháng 3 mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào giữa tuần tới.