Thi công đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông |
Nhu cầu cao, áp lực lớn
Một con số rất đáng chú ý vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội, đó là nhu cầu vốn đầu tư công năm 2023, được tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, lên tới 779.836 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn ngân sách trung ương là 402.275 tỷ đồng, còn nhu cầu vốn ngân sách địa phương là 377.561 tỷ đồng.
Nhu cầu này là rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là, dựa trên cơ sở đánh giá về các chỉ tiêu tài chính - ngân sách năm 2022, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cũng như Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 và nguồn vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội phải giải ngân trong năm 2023 (khoảng 137.844 tỷ đồng), Chính phủ đã báo cáo Quốc hội rằng, dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là 726.684 tỷ đồng, tăng 34% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, 383.403 tỷ đồng từ vốn ngân sách trung ương, 343.281 tỷ đồng từ vốn ngân sách địa phương.
Như vậy, phần lớn nhu cầu vốn của các bộ, ngành, địa phương sẽ được đáp ứng, nếu Quốc hội cho phép. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp hiện nay, hiếm có năm nào, tổng vốn ngân sách chi cho đầu tư lại lớn đến như vậy.
Theo dự kiến, một trong những ưu tiên hàng đầu của ngân sách đầu tư năm nay sẽ được dành cho các dự án nằm trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Sau đó, mới được dành cho các ưu tiên khác, như để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); bố trí đủ vốn để thu hồi vốn ứng trước; bố trí đủ vốn cho các dự án phải hoàn thành trong năm 2023… Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm có tính kết nối, tác động lan tỏa tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương… cũng sẽ được tập trung đầu tư trong năm tới.
Tuy nhiên, nhu cầu cao, vốn kế hoạch lớn cũng kèm theo áp lực phải giải ngân lớn. Bởi vậy, thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội một mặt cho rằng, việc tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước dự kiến tăng khoảng 34% so với năm 2022, đáp ứng được 93% nhu cầu vốn của các bộ, ngành, địa phương là “khá tích cực”, song mặt khác cũng nhấn mạnh về mức tăng khá cao so với năm trước, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn để có thể đảm bảo nguồn thu và khả năng giải ngân vốn để tránh lãng phí nguồn lực.
Trên thực tế, năm 2022 cũng là năm có ngân khoản phải giải ngân rất lớn, bởi cùng với vốn ngân sách hàng năm, còn có một ngân khoản không nhỏ của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội phải giải ngân. Và đó là lý do ngay khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/NQ-QH và Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về việc thực hiện Chương trình, không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại về khả năng giải ngân.
Và kết quả là, sau 9 tháng đầu năm 2022, theo số liệu từ Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn về tỷ lệ so, nhưng cao hơn tới 34.500 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đang quyết tâm cả năm nay, sẽ giải ngân khoảng 95% kế hoạch. Tương tự, mục tiêu giải ngân trong năm tới cũng là 95% kế hoạch.
Làm sao để tăng tốc giải ngân?
Ngoài câu chuyện phải làm sao tăng tốc giải ngân trong những tháng cuối năm 2022, nhiệm vụ giải ngân trong năm tới cũng rất nặng nề. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào?
Cần phải nhắc lại rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra tới 25 nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng, bao gồm các nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện; nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022.
Ngoài những nguyên nhân đặc thù của năm 2022, như giá cả vật liệu tăng cao, là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng thực tế đến giữa năm mới thông qua Kế hoạch, nên chưa kịp chuẩn bị dự án để triển khai…, thì vẫn là những nguyên nhân cố hữu, như giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư còn hạn chế…
Trong một báo cáo gần đây lên Chính phủ về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2021, có 1.962 dự án bị chậm tiến độ, trong đó 1.145 dự án do giải phóng mặt bằng; ngoài ra, do chuẩn bị dự án, thủ tục đầu tư, do bố trí vốn không kịp thời.
Các năm trước đó, tình trạng cũng tương tự. Chẳng hạn, năm 2020, trong 1.867 dự án chậm tiến độ, thì 1.074 dự án là do mặt bằng. Tương tự, tỷ lệ của năm 2019 là 1.267/1.878 dự án; năm 2018 là 863/1.778 dự án…
“Khi tôi ở Đắk Lắk, Dự án hồ Krong Pac Thượng vì giải phóng, đền bù mà bao nhiêu năm không xong”, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội đã chia sẻ như vậy.
Không nói đâu xa, ngay Dự án Cảng hàng không Long Thành, dù đã tách riêng dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, song cũng phải mất 5 năm ròng rã, đến nay mới cơ bản hoàn thành để có thể chuẩn bị khởi công.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng rất sốt ruột khi Cần Thơ có một bệnh viện ung bướu 11 năm nay làm không xong. “Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia, nhưng nhiều dự án vẫn chưa hoàn thành đúng tiến độ”, ông Trần Thanh Mẫn nói.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Chính phủ đã đề xuất hàng loạt giải pháp. Chẳng hạn, rà soát, hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư công, đất đai, xây dựng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
“Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã bày tỏ quan điểm như vậy.
Không chỉ là hoàn thiện chính sách, một loạt giải pháp khác đã được đề cập, từ triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đến huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế thị trường, đảm bảo đầu tư tập trung, hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải trước đây; rồi công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư công, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công…
Một biện pháp quan trọng khác là nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án…
Cần các biện pháp căn cơ
Có một câu chuyện được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn nhắc tới, đó là để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thì không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển…
Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt, sẵn sàng về mặt bằng, để nếu được phân bổ vốn, có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh việc “vốn chờ dự án” chỉ vì công tác chuẩn bị dự án chưa kịp yêu cầu. Bởi vậy, vấn đề “đầu tiên” trong câu chuyện của Bộ trưởng không phải là vấn đề “tiền đâu”, mà là khâu chuẩn bị dự án.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cũng nhắc đến nguyên nhân sâu xa khiến giải ngân vốn đầu tư chưa đạt kỳ vọng là do công tác chuẩn bị đầu tư. “Có lẽ các cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư làm chưa được tốt lắm, đến khi trình các thủ tục lên để phê duyệt rồi lại bắt đầu phải chỉnh sửa rất nhiều thứ, thành ra quy trình thẩm định, phê duyệt rất lâu và dẫn đến chậm trễ. Cộng thêm giải phóng mặt bằng chậm cũng dẫn đến công tác giải ngân chậm”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà 2 năm gần đây, liên tục có tình trạng các bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn vì không giải ngân hết. Đầu tháng 10 này, Bộ Tài chính cho biết, có 17 bộ, ngành, địa phương xin trả lại 6.800 vốn đầu tư công. Đây chủ yếu là phần vốn nước ngoài (vốn ODA) trong kế hoạch vốn đầu tư năm 2022. Giải ngân vốn ODA tiếp tục chậm, 9 tháng, tỷ lệ đạt được mới là 15%.
Nhưng vấn đề cũng không chỉ là giải ngân. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đối với các dự án dự kiến giao kế hoạch năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo chủ đầu tư chủ động chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2022 để sẵn sàng triển khai các công việc thực hiện, giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023, không để sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai các công việc.
“Kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và nhấn mạnh việc cùng với đẩy mạnh giải ngân, phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật đầu tư công, cũng như đảm bảo chất lượng, hiệu quả của dự án.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần rà soát kỹ về khả năng thực hiện dự án, khả năng giải ngân để bố trí mức vốn phù hợp, không để tình trạng kéo dài thời gian thực hiện, chuyển nguồn ngân sách tiếp diễn, nhất là với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án liên vùng, đường ven biển.
“Hiện nay, Chính phủ vẫn tiếp tục kiến nghị Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị và triển khai dự án. Cùng với đó, bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn…, thì cũng cần tiếp cận thẳng ngay vào nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Chẳng hạn, chuyện kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; trách nhiệm người đứng đầu…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, nếu tất cả các vấn đề này được giải quyết đồng bộ, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện.