Nỗ lực kiểm soát lạm phát
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã áp dụng cách thức tiếp cận mới trong nghiệp vụ mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ, kèm với khả năng trung hòa lượng tiền trong lưu thông một cách linh hoạt.
Trước đây, giao dịch ngoại hối giao ngay là hình thức giao dịch chủ yếu trong nghiệp vụ mua vào ngoại tệ, thì nay giao dịch kỳ hạn với các ngân hàng thương mại được áp dụng khá linh hoạt, góp phần điều chỉnh thời điểm cũng như quy mô bơm tiền vào hệ thống. Trong khi đó, khả năng hút tiền từ lưu thông về thông qua nghiệp vụ thị trường mở tốt hơn.
. |
Đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2018, Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, để ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, NHNN sẽ kiên định với việc thực hiện một số giải pháp trọng tâm, như điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ, tăng quy mô dự trữ ngoại hối khi có điều kiện thuận lợi; tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý ổn định thị trường vàng, hạn chế tác động bất lợi của biến động giá vàng đến tỷ giá.
Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Ngân hàng TP.HCM dự báo, lạm phát ở mức 3,6 - 4% là khả thi và năm 2018 sẽ hoàn thành sứ mệnh là năm bản lề để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Trong khi đó, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu dự báo gia tăng trong năm nay, với mức 4,7% tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Do áp lực từ chương trình nới lỏng tài khoản và lạm phát gia tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa lãi suất. Các dự báo đưa ra, khả năng đến cuối năm 2018, lãi suất USD sẽ ở mức 2,25 - 2,5%.
Bên cạnh đó, với những hậu quả khó lường từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như việc Fed tăng lãi suất, USD tăng giá, các mối lo về khủng hoảng toàn cầu vẫn hiện hữu trong nửa cuối năm 2018 và cả năm 2019.
Tác động ra sao đến Việt Nam?
Các nhà phân tích kinh tế - tài chính cho rằng, tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm cùng với việc bảo hộ thương mại của các đối tác xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Trung Quốc khiến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 chịu nhiều sức ép. Mặt khác, Chỉ số USD Index trên thế giới duy trì đà tăng, trong khi đồng tiền của nhiều nước trong khu vực giảm giá so với USD đang gián tiếp tác động tiêu cực tới khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Fed có thể tăng lãi suất USD 4 lần trong năm 2018 lên mức 2,5%. Nếu kịch bản này xảy ra, kinh tế Việt Nam có thể đứng trước những tác động khó tránh. Tuy lộ trình tăng lãi suất của Fed đã được vạch ra, song theo các chuyên gia kinh tế, điều đó cũng không có nghĩa là Fed sẽ tăng lãi suất theo lộ trình, bởi kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chững lại. Mặt khác, việc Fed tăng lãi suất đã được dự báo trước, nên sẽ khó có cúc sốc lớn với tỷ giá.
Trước những bất lợi trong kiểm soát lạm phát tổng thể do sự phục hồi của nhóm hàng thực phẩm, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới và việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát. Nhờ vậy, lạm phát cơ bản được duy trì ở mức thấp.
Cụ thể, lạm phát cơ bản tháng 6/2018 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước đó và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm 2017. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục biến động hiện nay, Việt Nam cần có những dự báo kịp thời. “Chính sách tiền tệ của Việt Nam khá nhất quán theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm và điều hành tỷ giá. Điều này làm giảm căng thẳng giữa điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế vĩ mô”, PGS-TS Ngân nói.