Doanh nghiệp
Áp lực lớn khi tăng giờ làm thêm
Hải Hà - 10/02/2017 19:17
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra nhận được khá nhiều ý kiến khác nhau về mức độ ảnh hưởng của quy định này tới người lao động.

Doanh nghiệp thâm dụng lao động cần tăng giờ làm thêm

Theo Dự thảo, 2 phương án liên quan tới tăng thời giờ làm thêm đã được đưa ra.

Phương án 1 là tăng số giờ làm thêm, bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày, không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ và tổng số giờ làm thêm không được vượt quá 600 giờ/năm.

Phương án 2 là bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc  của người lao động không vượt quá 12 giờ/ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.

Các doanh nghiệp ngành may thường xuyên vi phạm về số giờ làm thêm do đặc thù sản xuất

Trước đó, năm 2012, Luật Lao động đã quy định số thời gian làm thêm giờ không vượt quá 300 giờ/năm.

Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Hiệp hội Dệt may và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất thời giờ làm thêm lên tới 600 giờ/năm để đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất.

“Tuy nhiên, qua tham khảo, chỉ một số nhóm ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, nhóm ngành điện tử và xây dựng cần làm thêm giờ trong giai đoạn cuối”, ông Nhưỡng cho biết.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 60% số nhà máy trong ngành dệt may đã không áp dụng quy định tối thiểu 4 ngày nghỉ/tháng; 62,8% các nhà máy ngành may mặc không tuân thủ về tiền lương làm thêm giờ.

Trong khi đó, theo khảo sát của JobStreet, 71% số người được hỏi cho biết họ không đủ thời gian cho gia đình.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, việc tăng thời gian làm thêm giờ sẽ tăng thu nhập cho người lao động.

Áp lực lớn đối với người lao động

Việc tăng thời giờ làm thêm chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực đối với người lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chị Nguyễn Thị T., công nhân Công ty Tinh Lợi (Khu công nghiệp Nam Sách, Hải Dương) cho biết: “Những lao động nữ đã có gia đình ở đây làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, rồi về nhà phải chăm sóc gia đình, nên thực sự là rất vất vả, mệt mỏi. Ngoài ra, tăng ca nhiều khiến sức khỏe bị suy giảm, đồng nghĩa năng suất lao động đi xuống, hàng bị hư lỗi nhiều hơn, nhưng chúng tôi  không dám từ chối làm thêm, bởi bất cứ ai xin giảm thời gian làm thêm thì đều bị sa thải”.

Theo khảo sát của JobStreet, 71% số người được hỏi cho biết họ không có đủ thời gian cho gia đình.

 

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), người lao động làm 12 giờ/ngày liên tục trong 4 tháng sẽ dẫn tới mệt mỏi ở cả nam và nữ. Làm việc 48 - 50 giờ/tuần có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, với các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, đau cơ xương khớp...

Trong khi đó, theo thống kê của ILO, tỷ lệ tai nạn ở những lao động làm việc sau 16 giờ/ngày tăng gấp 3 so với số lao động làm việc 9 giờ/ngày.

Từ thực tế làm việc tại một công ty dệt may, anh Nguyễn Văn Huân (Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc) cho biết: “Hiện không có đơn vị nào quản lý, giám sát doanh nghiệp không được tổ chức làm thêm quá 300 giờ/năm... Luật có thể tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp, nhưng quy định cũng cần phù hợp khi thỏa thuận lao động chưa có, thỏa thuận tập thể lại là điều khó thực hiện trên thực tế bởi người lao động không có lựa chọn nào ngoài việc chấp nhận làm thêm giờ nếu muốn tồn tại”.

Trước thực tế đó, ông Nhưỡng cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đánh giá thêm về tác động của việc tăng giờ làm thêm trước khi trình Chính phủ.

“Mức trần là như vậy, nhưng quan trọng là cơ chế thực hiện thế nào. Chúng ta có thể đánh thuế cao những doanh nghiệp làm thêm giờ để Nhà nước có trách nhiệm chuyển đổi việc làm cho người lao động khi cần thiết. Những yếu tố khác như vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tăng thỏa ước lao động cũng sẽ được nghiên cứu làm căn cứ xử phạt khi doanh nghiệp vi phạm. Các nước khác có quy định riêng về làm thêm giờ và mức thu nhập được tính lũy tiến với thời giờ làm thêm. Điều này cũng cần được nghiên cứu đưa vào Luật”, ông Nhượng nói.

Được biết, dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).

Tin liên quan
Tin khác