Thực tế, ngoài việc công bố GDP 9 tháng tăng trưởng 6,98% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây, khiến khả năng đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là rất lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng thời khẳng định rằng, chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng được cải thiện, mô hình tăng trưởng đã dịch chuyển dần sang chiều sâu.
Các con số có thể viện dẫn để chứng minh cho nhận định này bao gồm, năm 2018, đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) ước đạt 40,23%, cao hơn mục tiêu 5 năm là 30 - 35%.
. |
Ngoài ra, năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng khá cao, bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 5,62%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 và vượt mục tiêu bình quân 5 năm được Quốc hội giao.
Cơ cấu kinh tế cũng đã được chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tuy vậy, một điều cũng được khẳng định, đó là dù đã có những cải thiện nhất định, song chất lượng tăng trưởng chưa được cao như kỳ vọng; mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ. Ngoài ra, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và dựa lớn vào nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, điện tử; nợ công còn cao; cơ cấu thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững; chi thường xuyên còn lớn, muốn đầu tư đều phải đi vay…
Nếu không nhanh chóng nâng cao chất lượng tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì nguy cơ tụt hậu càng hiện hữu. Đó là chưa kể, ngay khi số liệu thống kê về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2018 được công bố, đã có những ý kiến cho rằng, dù tăng trưởng GDP của Việt Nam đang tiến triển tốt, song so với bình quân của khu vực, thì cũng không có gì vượt trội. Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, nên để tăng tốc phát triển và theo kịp các nền kinh tế lớn trong khu vực và thế giới, thì tốc độ tăng trưởng GDP cần phải cao hơn nữa.
Đó còn chưa kể những thách thức trong ngắn hạn, như lạm phát, rủi ro từ những diễn biến bất ổn của kinh tế toàn cầu hiện nay như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ đang bắt đầu quay trở lại, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn cầu…
Đang là thời cơ to lớn để Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế…, khi mà kinh tế đang tăng trưởng tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Nếu không nhanh chóng và quyết liệt tận dụng cơ hội, nhất là cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, thì kinh tế Việt Nam sẽ chậm chân trong cuộc đua toàn cầu.